Vàng đấu thầu đang “chảy” về đâu?

Thứ Năm, 10/10/2013, 10:27
Sau hơn nửa năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đấu thầu vàng với khối lượng bơm ra lên đến 60 tấn, trên thị trường giá vẫn chênh lệch cao, dư luận tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy thực sự vàng đang chảy về đâu?

Sau khi siết chặt quy định về kinh doanh vàng miếng, toàn thị trường chỉ có 39 đơn vị được cấp phép đủ điều kiện mua bán vàng miếng gồm 22 tổ chức tín dụng (TCTD-NHTM) và 17 doanh nghiệp. 39 đơn vị này có tổng số gần 2.500 điểm kinh doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và đủ điều kiện tham gia mua vàng đấu thầu của NHNN. Tuy nhiên, qua quan sát các cuộc đấu thầu cho thấy, tổng số đơn vị tham gia mỗi phiên giao động từ 16 - 22 thành viên.

Trong số này, có khoảng 3-6 doanh nghiệp, chiếm từ 10-15% tổng số thành viên tham gia, và đó cũng là các tên tuổi đình đám trên thị trường như SJC, DOJ, Phú Quý, ViettinGold, VietnamGold, Kim Ngọc Phú. Số còn lại là các TCTD. Kết quả, lượng vàng trúng thầu thực tế mà các NHTM mua được lên tới gần 90%. Lý giải nguyên nhân, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng do các điều kiện đưa ra từ phía NHNN quá cao.

Cụ thể, NHNN đưa ra mức đặt thầu tối thiểu những phiên đầu là 500 lượng, còn những phiên sau là 1.000 lượng. Với tỷ lệ đặt thầu tối thiếu là 1.000 lượng/phiên, giá mỗi lượng khoảng 40 triệu đồng, cộng với 10% trị giá tiền đặt cọc nữa, tổng cộng sẽ mất tối thiểu khoảng 45-46 tỷ đồng/phiên, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu.

Trong khi đó, NHNN lại cấm các NHTM cho các công ty kinh doanh vàng vay tiền để tham gia đấu thầu vàng. Vì vậy, việc các công ty kinh doanh vàng này phải huy động một lúc 45-46 tỷ đồng từ nguồn lực tài chính của chính mình là chuyện bất khả thi. Do vậy, sân chơi đấu thầu vàng này gần như chỉ dành cho các NHTM và vài công ty vàng lớn như SJC, DOJI. Và các điều kiện này đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vô hình trung loại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra cuộc chơi đấu thầu.

“Phần lớn số vàng đấu thầu của NHNN do NHTM mua để bù đắp lại số vàng huy động trong dân cư trước đây. Số ít còn lại là các công ty kinh doanh vàng mua, nhưng trong số này nhiều công ty là sân sau của NHTM. Thực chất số vàng đấu thầu được không đưa ra thị trường, mà chảy vào túi các NHTM. Một số NHTM hoàn tất việc đóng trạng thái cũng vẫn phải mua vào để hỗ trợ khách hàng vay vàng chuẩn bị đáo hạn. Theo tôi, để tạo sân chơi bình đẳng, tỷ lệ đặt thầu mức tối thiểu nên quy định là 300 lượng/phiên và mỗi bước khối lượng đặt thầu là 30 lượng. Như thế, các doanh nghiệp nhỏ mới có cơ hội mua vàng... Qua đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm trong phương thức đấu thầu vàng hiện nay hay không?”, ông Long nêu ý kiến.

Theo thông tin từ NHNN, sau các phiên đấu thầu, cơ quan này đã kết luận cầu vàng trong dân vẫn còn nhưng đã giảm mạnh. Qua 61 phiên đấu thầu bán vàng miếng, tổng khối lượng vàng NHNN “bơm” ra thị trường khoảng 59,87 tấn. Trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các TCTD sử dụng để tất toán trạng thái, phần còn lại là bán cho khách mua lẻ, có nghĩa là gần 30 tấn vàng còn lại chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, dù các ngân hàng đã tất toán trạng thái huy động vốn bằng vàng từ hơn 3 tháng trước, song, về thu hồi nợ vay bằng vàng, nhiều ngân hàng vẫn chưa hoàn tất, hiện cả nước còn khoảng 10 tấn.

Như vậy, việc 30 tấn vàng có thực chất đi vào thị trường hay không, và vì sao giá vàng trong nước tiếp tục chênh lệch cao với giá thế giới vẫn là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, với chủ trương của NHNN về chống “vàng hóa”, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ, thì việc tổ chức đấu thầu vàng dường như lại đưa một khối lượng lớn vàng vật chất vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân.

Cho rằng cách quản lý thị trường vàng hiện nay còn nhiều vấn đề nên xem xét lại, theo TS Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam: Thị trường vàng cần quản lý theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, do vàng là tài sản quốc gia và là hàng hóa mang tính tiền tệ đặc biệt nên Nhà nước có cơ chế quản lý sao cho huy động tối đa nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô, có thể điều tiết được thị trường khi cần”

Nhóm PV
.
.
.