Hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu:

Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

Thứ Bảy, 18/05/2013, 11:34
Ngày 17/5, Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa) đã chủ trì tổ chức buổi Hội thảo góp ý cho Nghị định này với sự tham gia của đại diện Ban soạn thảo nghị định và đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý xăng dầu trên toàn quốc. Cận kề hạn chót phải trình lên Chính phủ, vẫn còn rất nhiều ý kiến chưa đồng thuận xung quanh dự thảo mới này.
>> Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch Quỹ bình ổn xăng dầu

Công khai giá cơ sở và quỹ bình ổn

Tại buổi Hội thảo này, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đại diện Ban soạn thảo Nghị định cho biết: Với nguyên tắc “thị trường hơn nữa, quản lý tốt hơn nữa”, dự thảo sửa đổi Nghị định 84 vừa đưa ra đã sửa đổi 22/35 điều của Nghị định cũ và bổ sung thêm 2 điều mới.Trong số này, điều người dân quan tâm nhất là những quy định liên quan đến điều hành giá, quỹ bình ổn và sự minh bạch trong thị trường này – những điều mà theo ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Vinpa “nếu không sửa thì sửa Nghị định chẳng ích gì”.

Một thay đổi cực kỳ đáng chú ý là dự thảo đã buộc các thương nhân đầu mối phải hàng ngày công bố công thức tính giá cơ sở, giá thế giới, việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá trên website; đồng thời, Bộ Tài chính cũng định kỳ công bố những thông tin trên. Đây là cách để người dân, truyền thông và cả các chuyên gia có được nguồn thông tin chính thống về giá cả, để giám sát và phản biện một cách chính xác và hợp lý, thay vì hoàn toàn mù mờ, không hề có một nguồn chính thống nào như hiện nay. Việc xiết chặt lại hệ thống phân phối cũng được đề cập đến với  quy định rõ trách nhiệm và trách nhiệm liên đới của địa phương, doanh nghiệp đầu mối với hệ thống phân phối xăng dầu của mình, tránh tình trạng xăng dầu pha lẫn tạp chất hoặc đóng cửa như thời gian vừa qua.

Quan trọng hơn cả, dự thảo đã đưa ra 3 phương án về điều chỉnh giá, trong đó theo ông Võ Văn Quyền, hiện phần nhiều dư luận đang nghiêng về phương án 1 – vốn là “cải biên” của Nghị định 84 cũ: Khi giá đầu vào biến động trong phạm vi 5%, DN được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng; khi biến động vượt 5%, doanh nghiệp được quyền tăng giá 5% cộng 60% của mức phụ trội, 40% còn lại sử dụng quỹ bình ổn để bù; với mức tăng trên 10%, Nhà nước sẽ điều hành bình ổn giá bằng các công cụ như thuế, quỹ bình ổn…

Khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá tối thiểu là 15 ngày. Đối với trường hợp giá biến động giảm, thì giá cơ sở giảm trong phạm vi 6%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu giá giảm trên 6%, Nhà nước mới điều chỉnh thuế và quỹ bình ổn, trong khi DN vẫn tiến hành giảm giá.

Vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau trong điều hành thị trường xăng dầu.

Minh bạch sẽ tạo được đồng thuận

Dù dự thảo mới mong muốn “tạo ra sự đồng thuận và điều hành thị trường tốt hơn”, nhưng tại Hội thảo, cả Vinpa và đại diện các đầu mối, tổng đại lý đều đưa ra rất nhiều ý kiến góp ý, phản bác. Trong số đó, Vinpa đề xuất nên áp thuế nhập khẩu ngay từ đầu năm. “Điều này giúp Nhà nước biết được ngay DN xăng dầu đóng góp bao nhiêu vào ngân sách trong năm, DN chủ động được kế hoạch kinh doanh và bớt đi một yếu tố biến động trong công thức tính giá, chỉ còn phải tính đến giá thế giới và tỷ giá nữa thôi. Không những thế, Hải quan cũng không phải lo DN trốn thuế” – ông Phan Thế Ruệ phát biểu.

Điều thứ 2 Vinpa kiến nghị là thời gian điều chỉnh giá nên giảm xuống 10 ngày và biên độ điều chỉnh thấp xuống 3% thay vì 5% như dự thảo. “Với giá xăng dầu cao như hiện nay, 5% đã là hơn 1.000 đồng. Tôi nghĩ điều chỉnh nhiều lần với mức vài trăm đồng người dân sẽ dễ chấp nhận hơn” – ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch HĐTV Petimex nêu ý kiến. Một điểm đáng chú ý khác, Vinpa cũng đặt dấu hỏi có nên để quỹ bình ổn giá hay không, bởi “lẽ ra xăng dầu giảm được 1.000, thì vì quỹ bình ổn chỉ giảm được 700. Đáng lẽ giá chỉ đáng tăng 1.000 đồng thì phải tăng 1.300 đồng, gây gánh nặng giá lên người tiêu dùng” – ông Phan Thế Ruệ đề xuất.

Ngoài những điểm trên, buổi hội thảo còn nóng bởi nhiều ý kiến chưa đồng nhất xung quanh các quy định về tổng đại lý, hoa hồng đại lý. Nghị định mới ra đời với kỳ vọng “các bên đều cười”, nhưng dường như con đường đi đến cái đích đó vẫn chưa rõ nét. Trên cả những bùng nhùng trong chính sách, điều mà thị trường xăng dầu thiếu chính là sự chia sẻ của dư luận; mà muốn có điều đó, chỉ có tăng cường thông tin, tăng cường chia sẻ. Hãy cứ minh bạch đi, rồi nhân dân sẽ cảm thông với những điều họ thấy là hợp lý

Vũ Hân
.
.
.