Đảm bảo đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất:

Vận động doanh nghiệp tăng thu nhập, bán hàng bình ổn

Thứ Năm, 07/04/2011, 14:30
Giá cả tăng chóng mặt khiến đời sống của công nhân tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) càng trở nên khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các cuộc ngừng việc tập thể trên cả nước trong 3 tháng đầu năm. Tìm giải pháp hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người lao động (NLĐ) yên tâm làm việc đang được nhiều địa phương ráo riết thực hiện.

Ngừng việc tập thể tỷ lệ thuận với tăng giá

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 3 tháng đầu năm, đã xảy ra hơn 100 cuộc đình công trong cả nước. Những cuộc đình công tự phát gần đây ngoài nguyên nhân doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội thì nguyên nhân chủ yếu đều liên quan đến sức ép về giá cả.

Thống kê cho thấy, trong số các nguyên nhân dẫn tới đình công nêu trên, có tới 80% số vụ đình công là vì lý do liên quan đến tiền lương, mà chủ yếu là tiền lương quá thấp, không đủ tái sản xuất sức lao động, NLĐ không có tích lũy. Khu vực thường xảy ra đình công thường ở khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tới 76%. Nhiều doanh nghiệp còn vin vào đủ thứ lý do để không thưởng cho NLĐ, hoặc thưởng theo kiểu tượng trưng, không tương xứng với những đóng góp và công sức của NLĐ.

Những ngày đầu tháng 3, KCN Nội Bài và KCN Thăng Long ở Hà Nội đối mặt liên tiếp với các cuộc đình công tự phát của công nhân. Tại KCN Nội Bài, có cuộc đình công của gần 1.000 công nhân Công ty TNHH Yamaha Việt Nam, yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp này tăng lương và một số chế độ khác.

Theo các công nhân tham gia nghỉ việc tập thể thì đây là biện pháp bất đắc dĩ họ phải sử dụng để gây áp lực để chủ sử dụng tăng lương từ 1,65 triệu đồng/người/tháng lên 2 triệu đồng/người/tháng; tăng tiền nghỉ mát từ 650.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/người năm; tăng mức tiền thưởng chuyên cần… và các khoản phụ cấp khác. Nếu không, NLĐ ở đây khẳng định với thu nhập như hiện nay thì họ không thể trụ được với sức tăng của giá cả.

Nhiều giải pháp hỗ trợ đang được thực hiện giúp công nhân vượt qua khó khăn.

Tại TP HCM, số lượng cuộc đình công cũng gia tăng mạnh. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, đã có 21 cuộc đình công nổ ra do chủ sử dụng lao động không tăng lương cho công nhân (con số này bằng gần 1/3 so với cả năm 2010). Lúc này, NLĐ đang rất khó khăn để xoay xở cuộc sống nên khi công ty nợ lương hay tăng lương không công bằng thì đều như "ngòi nổ" để dẫn đến đình công.

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động

Trước tình hình đình công có xu hướng lan rộng, tại hai KCN lớn ở Hà Nội là KCN Nội Bài và Thăng Long, Ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của hầu hết giám đốc, Phó Tổng giám đốc các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chủ sử dụng người nước ngoài mổ xẻ những lý do khiến người lao động đình công.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 5-4, ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch công đoàn Ban Quản lý KCN, KCX Hà Nội cho biết, sau cuộc họp này, đến thời điểm hiện tại, hai KCN trên đã không còn xảy ra đình công.

Ban Quản lý KCN Hà Nội cũng đã đề xuất với thành phố về việc đẩy mạnh các doanh nghiệp được bình ổn giá về bán hàng tại các KCN, khu nhà trọ tập trung nhiều lao động có thu nhập thấp. Đây là giải pháp trước mắt để người lao động có thể vượt qua cuộc khủng hoảng giá hiện nay. Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đăng ký thuê nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, đến nay, nhà ở cho công nhân vẫn ở trong tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Thực tế cho thấy nhiều biện pháp hỗ trợ đời sống công nhân như vận động chủ nhà trọ không tăng giá, ổn định giá điện nước, vận động doanh nghiệp tăng thêm các khoản phụ cấp; nhiều tỉnh, thành phố lập các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân đang phát huy hiệu quả, gỡ được một phần khó khăn tạm thời cho công nhân.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý KCX, KCN thành phố cho biết, chiến dịch vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà theo chỉ đạo của Thành uỷ TP HCM được bắt đầu từ giữa tháng 2.

Tới nay, sau hơn 1 tháng ở tất cả các quận, huyện nhiều chủ nhà trọ đã ký vào cam kết không tăng giá nhà trọ, có nơi tỷ lệ các chủ trọ ký vào cam kết đạt tới 70% còn mức trung bình khoảng 50-60%.

Cách làm của TP HCM là vận động từ những đảng viên đang có nhà trọ cho thuê, tới các cán bộ đang làm việc trong bộ máy công quyền, các hội viên, đoàn viên của các hội đoàn thể cùng ký cam kết. Về giá điện, các phường, xã yêu cầu chủ trọ lên danh sách chính thức những công nhân được mua điện với giá hỗ trợ và có xác nhận của Cảnh sát khu vực, tạo điều kiện để công nhân được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

Theo ông Định, các cơ quan chức năng ở đây còn lên danh sách những công ty chuyên cung cấp các bữa ăn công nghiệp và yêu cầu họ phải ký với chủ sử dụng với mức giá cao hơn, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân. Ban quản lý KCX, KCN còn lên danh sách những doanh nghiệp kém quan tâm tới đời sống người lao động để đi vận động. Những doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm luật lao động sẽ bị thanh tra.

Theo kế hoạch, năm 2011 sẽ tiến hành thanh tra 360 doanh nghiệp. TP HCM hiện đang xúc tiến xây dựng 18 block nhà lưu trú cho công nhân với khoảng 14.000 chỗ ở. Dự kiến tại mỗi KCX, KCN sẽ xây dựng 1 nhà trẻ công cho con công nhân. Ngoài ra thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở xây dựng hạ tầng KCN  phải xây dựng sớm các phòng khám đa khoa, siêu thị và trung tâm sinh hoạt văn hoá cho công nhân.

Để ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công trước biến động của giá cả, Bộ LĐ-TB&XH vừa mới có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước tập trung các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp bình ổn giá, vận động doanh nghiệp tăng thêm tiền lương, tiền trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ tiền đi lại, tiền thuê nhà ở, cải thiện bữa ăn giữa ca để đảm bảo ổn định và cải thiện đời sống người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các tỉnh thực hiện báo cáo thường xuyên về Bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong lúc này, những giải pháp đồng bộ đảm bảo an sinh xã hội thực sự cần thiết, nhất là đối với những người lao động có thu nhập thấp

Thu Uyên
.
.
.