Cải cách thủ tục và điều kiện kinh doanh 2018:

Vẫn còn tình trạng bỏ cũ, thêm mới

Thứ Tư, 16/01/2019, 07:56
“Năm 2018, theo báo cáo, phần lớn các bộ đều đưa ra con số cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án, hay các quy định có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế”.



Đây là nhận định của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 2018 do VCCI tổ chức sáng 15-1.

Còn nhiều mảng tối

Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 Luật và 74 Nghị quyết của Quốc hội, 1 Pháp lệnh của UBTVQH, 169 Nghị định của Chính phủ, 51 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 Thông tư của các bộ và 47 văn bản khác.

“Qua theo dõi thường xuyên của VCCI cũng như kết quả khảo sát của doanh nghiệp (DN) từ nhiều góc độ khác nhau, có thể nhận thấy công tác xây dựng pháp luật năm 2018 có những chuyển biến tích cực. Tinh thần gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho DN, đặc biệt là các DN tư nhân được lan tỏa mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận chính sách nói chung, cũng như trong các dự thảo văn bản được ban hành.

Cơ quan quản lý vẫn lúng túng trong quản lý taxi công nghê. (Ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 không phải chỉ toàn các mảng sáng. Trong từng ngành, từng lĩnh vực, vẫn có trường hợp các quan điểm, định hướng thể hiện trong tờ trình thì theo hướng tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhưng quy định cụ thể được đề xuất thì dường như đi ngược lại.

Một số quy định được coi là cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng chỉ mang tính hình thức, sửa đổi nhỏ trong khi chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi. Một vài phương án bãi bỏ kiểm tra chuyên ngành chỉ tập trung vào những mặt hàng không có hoặc rất ít được kinh doanh, mà giữ lại những mặt hàng có khối lượng thương mại lớn.

Các quy định thu hút đầu tư tư nhân chưa nhất quán hoặc mới chỉ nặng về ưu đãi, hỗ trợ mà chưa chú trọng vào những yếu tố nền tảng của thị trường như quyền hợp đồng, quyền tài sản, minh bạch thông tin…”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế cho biết.

Trong báo cáo, VCCI về pháp luật kinh doanh 2018 cho biết. một số sửa đổi tại các Nghị định quy định về đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số ĐKKD được sửa đổi gây khó khăn hơn cho DN hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho DN.

Ví dụ như điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP, khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Hay điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”. Đây được xem là giấy phép mới so với trước đây và có thể gây tốn kém về chi phí và khó khăn cho đối tượng phải xin phép.

Điều đáng nói là những “mảng tối” này lại không phải là ít. Hàng loạt những lĩnh vực có vướng mắc như ưu đãi trong nông nghiệp nhưng chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi, đầu tư trong giáo dục - cởi mở nhưng chưa nhất quán… Đáng chú ý, thời gian qua, có một vấn đề nổi cộm đó là sự lúng túng của cơ quan quản lý, ví dụ việc quản lý taxi sử dụng công nghệ kết nối.

“Điểm mấu chốt cho những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới trong các lĩnh vực chính là cơ chế quản lý. Dưới góc nhìn của DN, nhiều quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, gây cản trở cho sự phát triển của DN và môi trường kinh doanh thể hiện ở các ĐKKD còn chưa được đơn giản hóa, tạo chi phí không cần thiết cho DN và xã hội”, ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng.

Cần thay đổi tư duy chính sách

Tham luận tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng trong cải cách pháp luật kinh doanh hiện nay, có 3 thách thức rất quan trọng. Một là tất cả các cải cách đều xuất phát từ sự áp đặt của Chính phủ xuống các bộ, ngành chứ chưa có một bộ, ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bãi bỏ ĐKKD mà mình nắm giữ.

Thách thức thứ hai là việc kiểm soát chất lượng của các quy định, ĐKKD nói chung và các quy định, ĐKKD mới ban hành. “Tôi đã chứng kiến nhiều ĐKKD bộ ngành này bỏ, còn bộ kia lại đưa vào”, ông Hiếu kể. Và thứ 3 là việc cải cách pháp luật kinh doanh mới chỉ nằm trong phạm vi rất nhỏ, đó là ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong khi có những quy định, ĐKKD có tác động gây khó rộng lớn hơn.

“Đừng chỉ tháo gỡ rào cản do chúng ta đặt ra mà phải thúc đẩy phát triển. Các bộ, ngành, cơ quan phải có tư duy là tháo bỏ rào cản là đương nhiên, thúc đẩy phát triển mới là vấn đề quan trọng”, ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD khá cao, trên 50% nhưng vẫn thấy tính hình thức, đối phó. Có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ; nhiều ĐKKD vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ.

Trong khi đó, DN tham gia vào hoạt động rà soát này còn có nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo, nên nhiều điều chỉnh, sửa đổi về ĐKKD vẫn chưa thực sự theo nguyện vọng của cộng đồng kinh doanh.

Những văn bản được ban hành trong năm 2018 lại tồn tại rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách, hay việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm, việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành…

“Cộng đồng DN đặt ra các kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới: các rào cản về môi trường kinh doanh tiếp tục được tháo bỏ, các hoạt động cải cách về ĐKKD, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại”, ông Lộc đề xuất.

Hà An
.
.
.