Vẫn chưa kiểm soát hết sản phẩm chứa DEHP

Thứ Tư, 22/06/2011, 15:59
Cho đến thời điểm hiện nay, số lượng mặt hàng bị nhiễm DEHP có thể kể đến như: xirô táo đỏ, xirô nho, kẹo xốp Marshies hương dâu, vani, sôcôla, rau câu, thạch sữa chua OZO, rau câu trái cây OZO, rau câu Newchoice.

Sau khi xuất hiện thông tin các sản phẩm mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen của Hàn Quốc (sản xuất tại Đài Loan), mì Nissin Taisho Yakisoba (của Nhật Bản) cũng bị nhiễm chất DEHP (chất này gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ, về lâu dài có thể gây nguy hại cao đến sức khỏe người sử dụng), Chi cục VSATTP TP HCM đã nhanh chóng lấy mẫu các loại sản phẩm trên tiến hành kiểm nghiệm để có kết quả cuối cùng.

Trong khi vẫn còn chờ kết quả kiểm nghiệm, theo ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM như: Co.opMarrt, Big C, Lotter Mart, Maximart… các mặt hàng trên cũng đã chính thức đưa ra khỏi quầy kệ và chờ kết quả kiểm tra từ phía cơ quan chức năng. Còn tại một số chợ truyền thống và các điểm bán lẻ không chỉ các loại sản phẩm mì kể trên mà một số loại thực phẩm nằm trong "danh sách đen" có chứa chất DEHP hiện vẫn còn bày bán khá nhiều.

Cho đến thời điểm hiện nay, số lượng mặt hàng bị nhiễm DEHP có thể kể đến như: xirô táo đỏ, xirô nho, kẹo xốp Marshies hương dâu, vani, sôcôla, rau câu, thạch sữa chua OZO, rau câu trái cây OZO, rau câu Newchoice.

Các loại thực phẩm bày bán rất đa dạng tại các quầy sạp ở chợ Bình Tây nhưng hiện nay sức mua đã giảm hẳn so với thời điểm trước đó.

Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cũng cho biết, sau khi có thông tin sản phẩm trên bị nhiễm DEHP, các đội QLTT đã tiến hành làm việc với 13 đơn vị là doanh nghiệp, công ty, siêu thị, hợp tác xã… có nhập sản phẩm chứa chất DEHP như trên và cũng đã ghi nhận các đơn vị này đã thu hồi các sản phẩm phân phối ra thị trường. Số lượng hàng hiện còn tồn kho và đã thu hồi gồm 57.816 đơn vị sản phẩm (chai, lọ, hũ), trong khi theo số liệu của 9/13 đơn vị thì số lượng hàng nhập hơn 62.000 đơn vị sản phẩm.

Tại chợ Bình Tây (quận 6), các tiểu thương cho biết, mặc dù chỉ có một số loại thực phẩm công bố có chứa chất độc hại nhưng người tiêu dùng gần như quay lưng với hầu hết các loại bánh kẹo nhập khẩu và các loại nước giải khát có sử dụng chất phụ gia.

Tuy nhiên, tại một số quầy sạp ở chợ này, mặt hàng kẹo xốp Marshies vẫn còn bày bán; tại chợ Tân Định (quận 1), hai loại mì Shin Ramyun và Shin Ramen của Hàn Quốc (sản xuất tại Đài Loan), mì Nissin Taisho Yakisoba (của Nhật Bản) hiện vẫn còn bày bán khá nhiều.

Các tiểu thương chợ Tân Định cho biết, chưa có công văn chính thức từ Ban quản lý chợ yêu cầu phải ngưng bán các loại mì trên nên các tiểu thương vẫn cứ bán bình thường; tại chợ Bến Thành, các loại thạch rau câu, xirô… vẫn còn hiện diện trên một số quầy sạp.

Bà Dương Thị Mai Lan, Phó ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết, ngày 22/6, Ban quản lý chợ sẽ họp với tiểu thương và chính thức triển khai việc ngưng bán các sản phẩm bị nhiễm và nghi nhiễm chất DEHP. Với loại mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen, thì Ban quản lý chợ Bến Thành chưa nhận được công văn nào của Sở Y tế TP HCM, nhưng Ban quản lý chợ biết được thông tin qua báo chí nên đã chủ động mời các tiểu thương kinh doanh mì gói ngưng bán các loại mì trên để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nói về việc một số sản phẩm có nhiễm DEHP còn bày bán tràn lan ở các điểm bán lẻ, ông Phạm Hữu Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người tiêu dùng TP HCM cho rằng, Chi cục VSATTP TP HCM nên có lộ trình rõ ràng để thu hồi các sản phẩm nhiễm DEHP.

Trước hết, các công ty nhập thực phẩm trên phải tiến hành thu hồi sản phẩm từ các mạng lưới. Trường hợp hết thời gian cho lộ trình thu hồi mà đơn vị nào còn chứa các sản phẩm trên thì cần phải xử lý nghiêm. Bên cạch đó, Chi cục VSATTP TP cũng phải kiểm tra thường xuyên tất cả các mặt hàng thực phẩm để tránh tình trạng kiểm tra mang tính chất phong trào như hiện nay

K.Ngân - T.Ngà
.
.
.