Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến phát triển vùng chuyên canh thanh long

Thứ Hai, 05/02/2018, 08:13
Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng vùng chuyên canh cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh tham gia thị trường, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp nông dân phát triển vùng chuyên canh thanh long.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang chú trọng chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP: Viet GAP, Global GAP, ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh tiên tiến trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bảo vệ vùng chuyên canh; hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu…

Ảnh mang tính chất minh họa

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng những mô hình quản lý dịch bệnh tổng hợp, xử lý cho thanh long ra trái theo ý muốn; tưới phun và tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn mặn ở những địa bàn khó khăn.

Trên cơ sở phối hợp giữa địa phương và các ngành chức năng, huyện Chợ Gạo xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án trọng tâm tạo động lực để mở rộng và nâng chất lượng vùng chuyên canh thanh long như: Đề án phát triển cây thanh long đến năm 2025, Dự án “Thực hiện chuỗi giá trị thanh long trên địa bàn 4 huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 – 2020”; Chương trình Ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha thanh long tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo; dạy nghề kỹ thuật trồng thanh long và phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long; tổ chức ra mắt các tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên canh thanh long theo hướng GAP và liên kết chuỗi giá trị…

Ông Trần Văn Hòa cho biết thêm, kết quả của việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm trên là huyện Chợ Gạo đã mở rộng diện tích thanh long lên trên 5.500ha, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 43% tổng diện tích. Hiện nay, tổng diện tích cho thu hoạch trên 4.100ha với sản lượng hàng năm đạt trên 131.000 tấn; còn lại là vườn trồng mới cho thu hoạch trong những năm sắp tới.

Đáng chú ý, toàn huyện đã hình thành được 5 hợp tác xã và hàng chục tổ hợp tác chuyên trồng thanh long. Địa phương hiện có 180ha thanh long được cấp chứng nhận Viet GAP, 35ha được cấp chứng nhận Global GAP và 17 tổ sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP (chưa cấp chứng nhận) trên tổng diện tích 225ha.

Ngoài ra, 6 hộ nông dân đi tiên phong thực nghiệm đầu tiên mô hình ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh thanh long với diện tích gần 3ha. Nếu thành công và được nhân ra đại trà thì đây là hướng đi mới giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ cây thanh long trên thị trường xuất khẩu.

Minh Trí
.
.
.