Chính phủ luận bàn các biện pháp chống suy thoái kinh tế năm 2009:

Ứng biến linh hoạt

Thứ Ba, 02/12/2008, 11:31
Ngày 1 và 2/12, Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ với nội dung đặc biệt: thảo luận các biện pháp chặn đà suy giảm kinh tế - nhiệm vụ trọng tâm đã xác định tại nghị trường kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XII.

Theo đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp, kích cầu tiêu dùng, đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường tiêu thụ hàng hóa, giảm nhập siêu... sẽ được bàn luận kỹ lưỡng.

Đây là phiên họp có tính chất bản lề, diễn ra ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009, do vậy các quyết sách đưa ra lần này xem như chìa khóa giải mã hệ quả suy thoái kinh tế thế giới đang tác động trực tiếp đến nước ta.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 được xác định: "Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm  quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010".

Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan tham mưu rốt ráo nghiên cứu trước khi thống nhất các biện pháp trong phiên họp đầu tháng 12 này. Chính phủ xác định phải đưa ra ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp, kích cầu tiêu dùng, đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường tiêu thụ hàng hóa, giảm nhập siêu. Huy động mọi nguồn lực để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu...

Cánh cửa năm 2009 chỉ còn cách đúng 1 tháng, nhìn lại nhiệm vụ kiềm chế lạm phát - nhiệm vụ được ưu tiên số 1 trong năm 2008 với 8 nhóm giải pháp trọng tâm, đến nay đã đạt kết quả rất khả quan.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,76% so với tháng trước và dự kiến CPI cả năm sẽ thấp hơn so với mục tiêu đề ra (24%). Do đó, vấn đề sẽ được Chính phủ đặt ra trên bàn nghị sự trong phiên họp tới là khuyến khích tiêu dùng và đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.

Với sự điều chỉnh này, hiển nhiên không phải năm 2009, Chính phủ coi nhẹ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong nhiệm vụ đã được Nghị quyết Quốc hội ban hành, việc "xoáy" vào nhiệm vụ trọng tâm chặn đà suy giảm kinh tế trong điều kiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang vận hành khá ổn định và nó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong năm 2009. Cả hai mặt: chính sách điều hành và hiệu ứng thực tiễn đều đã chứng tỏ hiệu quả, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát rõ ràng có cơ sở để phát huy trong thời gian tới.

Trong phiên họp gần đây với cơ quan chức năng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định "tình hình nào, nhiệm vụ đó", Thủ tướng nhấn mạnh sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng phân tích gói giải pháp đồng bộ gồm 5 điểm chính để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Đó là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tập trung giải quyết dứt điểm những thủ tục còn phiền hà, giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao. Kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện các biện pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho học sinh, sinh viên. Chính sách tài chính, tiền tệ phải hết sức linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhân dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường chăm lo cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, lũ lụt không để bị thiếu đói...

Thời đoạn cuối năm 2008, chúng ta đã vượt qua một năm với hàng loạt thách thức, việc xử lý linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô đã đảm bảo sự thích ứng linh hoạt, vận hành khá thuận lợi, đã chủ động trong ứng phó. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được cho là nghiêm trọng nhất từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, với quy mô lớn, diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề hơn so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, sự thích ứng cùng những dự báo, phân tích sát thực hơn trước giúp chúng ta có nhận định đầy đủ và đúng đắn hơn, tâm lý cũng sẵn sàng hơn khi đặt mình vào thế phải vượt qua hàng loạt thách thức.

Theo nhiều dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2008, trong đó các nước phát triển có mức giảm mạnh nhất. Để đối phó với tình hình này, nhiều nước đang thực thi các giải pháp mạnh tay như dành những khoản tiền lớn từ ngân sách để cứu hệ thống ngân hàng khỏi sụp đổ; áp dụng các biện pháp để đồng nội tệ không bị mất giá quá mức; chuyển trọng tâm từ chống lạm phát sang chống suy thoái kinh tế, thông qua việc hạ lãi suất cơ bản, giảm dự trữ bắt buộc, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp để kích thích nền kinh tế, kích cầu nội địa, ngăn chặn suy giảm sâu do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; tăng cường phối hợp quốc tế để chống khủng hoảng; đặt ra những yêu cầu về cải cách cơ chế quản lý, giám sát thị trường tài chính...

Đối với nước ta, mức độ của khủng hoảng tài chính toàn cầu và chiều hướng suy thoái của kinh tế thế giới đang tác động rõ hơn, nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với dự báo trước đây.

Những tháng cuối năm, tác động này bắt đầu lộ rõ như xuất khẩu khó khăn hơn, kinh tế suy giảm, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên sẽ hạn chế nhu cầu nhập khẩu của nhiều nước làm giảm khả năng xuất khẩu của nước ta, đầu tư trực tiếp nước ngoài có khả năng sẽ giảm mạnh, khả năng vay nợ, bảo lãnh nhập khẩu cũng khó khăn hơn...

Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng, bằng sự chủ động, điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ, sự nỗ lực toàn xã hội, tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 tuy khó khăn nhưng sẽ đạt kết quả khả quan.

Các chỉ tiêu kinh tế năm 2009:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%.

- Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%, khu vực dịch vụ tăng 7,3%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%.

Đăng Trường
.
.
.