Chuyện người quản lý

Tụt hậu đã hiện hữu chứ không còn là nguy cơ

Thứ Sáu, 04/09/2015, 08:51
Đây là đánh giá tương quan về vị trí của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại cuộc Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035” vừa được Bộ KH&ĐT tổ chức. Các con số thống kê về kinh tế-xã hội mà Tổng cục Thống kê đưa ra đã minh chứng xác thực cho nhận định này

 Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân: Malaysia (năm 1988); Thái Lan (năm 1993); Indonesia (năm 2008); Philippines (năm 2010); Hàn Quốc (1982). GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 của Singapore. Như vậy xét về tương quan so sánh về GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25 năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.

Xét về bình diện cơ cấu kinh tế và các cân đối vĩ mô cũng rất đáng lưu tâm. Theo Tổng cục Thống kê, cơ cấu kinh tế của Việt Nam vừa qua đã chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn lớn so với một số nước trong khu vực. Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế cũng thấp so với các nước trong khu vực thể hiện ở chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua các năm từ 1996 trở lại đây.

Mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng trong khi hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả đầu tư các nguồn vốn cũng như đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng lại thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN đã được thu hẹp dần song khoảng cách tuyệt đối so với một số nước thuộc nhóm phát triển trong khu vực lại gia tăng mạnh. Theo cảnh báo của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, đặt trong bối cảnh xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì sự tụt hậu này sẽ là một tình thế đầy nguy hiểm và thách thức cho phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước tình trạng không còn đường lùi, không có con đường khác nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực chứ chưa nói tới trên thế giới”. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Cung, chỉ có cách duy nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao năng suất lao động thông qua thay đổi thể chế để thiết lập hệ thống khuyến khích lành mạnh thay thế hệ thống khuyến khích sai lệch hiện nay, tạo điều kiện để nguồn lực được phân bổ và sử dụng bởi thị trường, theo tín hiệu của thị trường cạnh tranh công bằng thay cho tín hiệu của thị trường méo mó và thân hữu.

Khuyến nghị một cách cụ thể, ông Cung nhấn mạnh bản chất việc đổi mới phiên bản lần này là nâng cấp chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập. Theo đó, nội dung cải cách nằm ở các phía thị trường và nhà nước. Trong đó về phía thị trường, phát triển toàn diện các loại thị trường đặc biệt là thị trường vốn, đất đai, tài nguyên và đảm bảo về thể chế để các thị trường này vận hành hiệu quả. Về phía nhà nước cần thu hẹp phạm vi quy mô của nhà nước và đổi mới toàn diện quản trị quốc gia gồm đổi mới vai trò chức năng của nhà nước phù hợp và bổ sung cho kinh tế thị trường đầy đủ và hội nhập, đổi mới cơ cẩu tổ chức nhà nước, nhất là cơ cấu Chính phủ, các bộ và cơ quan thuộc bộ máy Chính phủ.

Theo ông Cung, giai đoạn 2016-2020, cần tập trung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung chủ yếu vào cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, các quy định quản lý chuyên ngành xuất khẩu và nhập khẩu, các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo và củng cố thêm mức độ an toàn, giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh…

Phan Đức
.
.
.