Từng bước "phá băng" thị trường bất động sản

Thứ Năm, 11/05/2006, 08:05

"Hiện cung đang bị ép vào chân tường nên đề án sẽ tính rất kỹ đến cơ chế hỗ trợ để cung giảm giá nhanh và việc kích cầu sẽ đảm bảo làm sao để người có thu nhập trung bình, thậm chí thu nhập thấp có thể với được đến "hàng hóa" hiện đang ứ đọng", Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo ghi nhận của các chuyên gia ngành địa chính thì trong 10 năm gần đây, thị trường BĐS đã trải qua 3 lần biến động. Lần thứ nhất từ năm 1994-1996, lần thứ hai là vào năm 1997-1999 và lần thứ ba bắt đầu từ cuối năm 2004 đến nay. Lần thứ ba này, tình trạng "đóng băng" của thị trường BĐS có quy mô và phạm vi rộng lớn hơn, tính chất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cả. Và đến nay, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào khả quan.

Thống kê của cơ quan chuyên môn cho thấy, từ nửa cuối năm 2004 - thời điểm cơn sốt địa ốc đã lên tới đỉnh điểm và bắt đầu "lạnh" dần, giao dịch nhà đất trên cả nước giảm 24%. Sang năm 2005, con số này là 65% ở Hà Nội và 60% ở TP HCM. Hoạt động của gần 7.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu là ở Hà Nội và TP HCM vì thế bị tê liệt...

Bất động sản "đóng băng", đồng nghĩa với việc một lượng khổng lồ vốn đầu tư đổ vào đây bị mắc kẹt. Thống kê của Viện Nghiên cứu Địa chính cho thấy, có đến 18% tổng dư nợ của các ngân hàng tín dụng đang nằm bẹp ở lĩnh vực địa ốc. Ghi nhận ở thời điểm đầu năm 2004 khi thị trường BĐS đang "nóng" cho thấy, tỷ lệ cho vay đối với các dự án BĐS của một số ngân hàng có thể lên tới 25%, trong đó đa số là cho vay trung hạn. Về sau, khi thị trường BĐS "lạnh" đột ngột thì người ta mới hốt hoảng khóa "van" rót vốn từ ngân hàng đối với các dự án BĐS, nhằm tránh sự gia tăng những khoản "nợ xấu" khó đòi. Tuy vậy, phản ứng này dường như đã quá muộn. Cả trăm ngàn tỉ đồng, trong đó gồm cả vốn tự có của nhà đầu tư lẫn vốn vay ngân hàng đã bị cột chặt vào các dự án nhà đất.

Số liệu thống kê được nhiều chuyên gia công nhận là tại TP HCM, lượng vốn đổ vào BĐS đã lên tới 50.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay của các ngân hàng chiếm quá nửa. Còn lại, tại Hà Nội, tình hình cũng trầm trọng không kém… Và còn nhiều hậu quả tiêu cực khác nữa cũng "ăn" theo thị trường BĐS.

Giải pháp: Hỗ trợ giảm giá bán, tăng sức mua

Thực trạng nói trên cho thấy, tình trạng "đóng băng" của thị trường BĐS đã và đang tiếp tục gây thiệt hại, lãng phí rất nghiêm trọng về tài nguyên đất và vốn đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của nền kinh tế. "Nếu ra được quyết sách (Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh thị trường BĐS - PV) vào quý III năm nay thì lộ trình thực hiện cũng sẽ phải mất khoảng 1 năm. Như thế, năm 2007 chắc sẽ có nhiều chuyển động tốt và có lẽ phải tới đầu năm 2008, thị trường BĐS mới trở lại bình thường" - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ đưa ra dự đoán khá lạc quan

Vậy những giải pháp cụ thể của đề án do Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng sẽ là gì mà có thể đem lại sự kỳ vọng như vậy? "Giảm giá cung và kích cầu là hai vấn đề trọng tâm của đề án. Hiện cung đang bị ép vào chân tường nên đề án sẽ tính rất kỹ đến cơ chế hỗ trợ để cung giảm giá nhanh và việc kích cầu sẽ đảm bảo làm sao để người có thu nhập trung bình, thậm chí thu nhập thấp có thể với được đến "hàng hóa" hiện đang ứ đọng. Tất nhiên, các giải pháp này sẽ được tính toán rất kỹ để tránh những phát sinh, những hệ quả không tốt như việc bao cấp về giá…" - Thứ trưởng Võ cũng tiết lộ

Đinh Tuấn
.
.
.