Từ hôm nay 1/7/2011: Nhiều luật mới chính thức có hiệu lực thi hành

Thứ Sáu, 01/07/2011, 09:41
Một số luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày hôm nay (1/7/2011) bao gồm: Luật Thi hành án hình sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thanh tra; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm; Luật Khoáng sản; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Việc thực hiện 8 Luật này sẽ có tác động tích cực tới đời sống xã hội. Luật Bảo vệ người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm chúng tôi đã giới thiệu. Xin thông tin một số vấn đề mới trong các luật khác.

Trên cơ sở khắc phục những thiếu sót từ những văn bản quy phạm pháp luật cũ, đồng thời bổ sung nhiều điểm mới, 8 luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa vào thực thi trong cuộc sống những chính sách mới có lợi cho toàn xã hội.

Trong đó, có thể nhận thấy một số chính sách nổi bật sẽ có tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân khi các Luật Thi hành án hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra thực sự đi vào cuộc sống.

Những điểm mới nhân đạo trong chính sách đối với phạm nhân

Luật Thi hành án hình sự mới bao gồm 15 chương với 182 Điều được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân..

Thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh nhưng chưa có chế tài xử lý cụ thể.

Điểm mới cơ bản nhất của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình. Theo đó, thay vì áp dụng hình thức xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Hình thức thi hành án tử hình này có nhiều ưu điểm và mang tính nhân đạo hơn so với xử bắn, khắc phục được phần nào yếu tố tâm lý cho phạm nhân và gia đình phạm nhân cũng như những người có nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình.

Ngoài sự thay đổi về hình thức thi hành án tử hình, Luật còn quy định rất rõ chế độ khen thưởng đối với phạm nhân, cụ thể trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức: biểu dương; thưởng tiền hoặc hiện vật; tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận. Khi xử lý kỷ luật không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người già yếu...

Mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính cho người dân

Điểm mới đáng lưu ý nhất trong Luật Tố tụng hành chính mới là về quyền khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án và không cần đáp ứng điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án như quy định của Pháp lệnh trước kia.

Trường hợp cá nhân, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc lần hai) thì vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Đây là điểm mới cơ bản nhằm mở rộng quyền lựa chọn phương thức giải quyết khiếu kiện hành chính của các cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tăng cường công tác thanh tra

Để đảm bảo cho việc thực thi pháp luật trong cuộc sống hiệu quả hơn, Luật Thanh tra năm 2010 có nhiều quy định mới, trong đó điểm mới đáng chú ý đầu tiên là về mục đích của hoạt động thanh tra. Theo đó, mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý tài sản, xử lý cán bộ mắc khuyết điểm mà ngày càng chú trọng hơn đến việc phát hiện những bất cập, hạn chế trong chính sách pháp luật của Nhà nước, những thiếu sót trong công tác quản lý của đơn vị, đối tượng bị thanh tra để kiến nghị đề xuất các giải pháp chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, luật cũng chú trọng việc công khai các kế hoạch thanh tra, kết luận thanh tra để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thanh tra, tạo cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước cũng như của các tổ chức, của xã hội và của nhân dân, tăng cường kỷ cương trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung, nhấn mạnh thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động thanh tra gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới lợi ích của người dân và của Nhà nước do (cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa nhận, môi giới hối lộ).

Bên cạnh việc tác động trực tiếp tới người dân, các Luật mới có hiệu lực cũng có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của Luật Khoáng sản; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ chịu sự điều chỉnh chặt chẽ hơn bởi các quy phạm pháp luật, với cơ chế rõ ràng và phù hợp hơn để đáp ứng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Hướng dẫn thi hành Luật ATTP còn chung chung

Bắt đầu từ hôm nay, 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực. Nhưng đến thời điểm này, dẫu đã qua 16 lần chỉnh sửa, mà Nghị định hướng dẫn thực thi luật này vẫn còn không ít điểm chưa phù hợp. Điều đầu tiên là vấn đề quản lý thức ăn đường phố. Nguy cơ mất ATTP từ hoạt động kinh doanh này rất cao, nên chất lượng thức ăn đường phố đang là vấn đề nóng liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua, việc quản lý thức ăn đường phố dường như bị bỏ ngỏ, khi mà các qui định của Bộ Y tế về thức ăn đường phố không được thực hiện nghiêm, cũng chẳng có người vi phạm nào bị xử lý. Với những qui định trong dự thảo Nghị định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong lại được thả nổi, khi không cần cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh thức ăn đường phố qua chế biến cần phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hoặc giao cho UBND các cấp để quản lý Nhà nước về ATTP ở địa phương, chứ không thể “bỏ mặc” như dự thảo quy định.

Một vấn đề nữa là ATTP, nhất là thực phẩm bị nhiễm độc, sử dụng các chất bị cấm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng… Nhưng theo dự thảo Nghị định, thì vi phạm đến lần thứ ba mới bị xử lý, là chưa hợp lý.

Một vấn đề tiếp theo trong quản lý ATTP, theo dự thảo Nghị định, thì vẫn còn sự quản lý chồng chéo giữa các Bộ, ngành, GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế, cho rằng: Để làm ra một chiếc bánh có bột mì, muối, đường, dầu olive, bột nở, cà chua, thịt, hải sản… mà theo Nghị định, thì doanh nghiệp cần phải đến đủ cả 3 Bộ: Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế để xin công bố hợp quy.

Với khoảng 30.000 loại thực phẩm hỗn hợp như hiện nay mà cách quản lý lại chồng chéo thì trách nhiệm cụ thể sẽ thuộc về Bộ nào? Vì thế, cần xác định trách nhiệm và giao cụ thể, tránh đùn đẩy khi xảy ra sự cố mới xem trách nhiệm thuộc về ai.

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế nêu quan điểm: Bộ quản lý ATTP phải là nơi kiểm soát được các loại thực phẩm, trong đó phải đánh giá được chất lượng, độ an toàn, hiệu quả, giá trị dinh dưỡng và nguy cơ cũng như tác động của thực phẩm tới sức khỏe. Do đó, Bộ Y tế phải là nơi duy nhất tiếp nhận hợp quy của tất cả thực phẩm.

Thanh Hằng-Vũ Hân

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
.
.
.