Tự chủ về kinh tế để tránh lệ thuộc quá mức vào một thị trường

Thứ Sáu, 04/07/2014, 08:13
Việt Nam hiện đã và đang có mối quan hệ giao thương, làm ăn với hơn 200 quốc gia trên thế giới. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua là đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác phải gắn liền với nguyên tắc tự chủ kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau, một số ngành kinh tế đã và đang có sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định và do đó  đang đứng trước những rủi ro lớn khi thị trường này có biến động.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp như hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo tự chủ kinh tế trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thiếu tự chủ về kinh tế, doanh nghiệp “toát mồ hôi” khó khi có “biến”

Tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/7, bà  Đặng Phương Dung- Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: Ngành Dệt may đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ 86%. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 46%. Đây cũng chính là nút “thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc “gặp trục trặc” thì DN dệt may Việt Nam đã “bí” đầu vào cho sản xuất.

Cũng theo chia sẻ của bà Đặng Phương Dung, hậu quả của việc phụ thuộc quá mức vào nguyên liệu từ Trung Quốc là điều mà ngành Dệt may đã nhìn thấy trước nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp để xoay chuyển tình hình khi mà nguồn cung từ các nước ASEAN, các nước Đông Á trong lĩnh vực này quá bé, không thể trông chờ.

Ngành sắn đang ứ đọng hàng chục ngàn tấn nguyên liệu do thương lái Trung Quốc chuyển sang mua sắn Thái Lan. Ảnh minh họa.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) chia sẻ: Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản như luyện kim, hóa chất, công nghiệp phụ trợ không có đủ nguồn hàng, chủ yếu là nhập ngoại. Hầu hết các dự án công nghiệp lại dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Thống kê của Vami cho thấy, từ năm 2003 đến 2012, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng nhiệt điện, nhà thầu Trung Quốc nắm 16/27 dự án. Việc trao quá nhiều dự án cho Trung Quốc đã dẫn đến hệ quả là hầu hết dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều; giá cả bị đội lên và nghiêm trọng hơn, các sản phẩm cơ khí của Việt Nam không thể “chen chân” vào các dự án này dẫn đến nguy cơ “trắng tay” trên sân nhà.

Mối lo lắng sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do căng thẳng ở biển Đông với Trung Quốc không chỉ xảy đến với các DN phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, mà cả những DN xuất khẩu sang thị trường này cũng tỏ ra căng thẳng. Theo ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều DN trong lĩnh vực này đã “sống dở chết dở” và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng. Nông sản xuất khẩu khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các DN chế biến nông sản. Bên cạnh đó, thương nhân Trung Quốc “tập” cho người nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, chất lượng thấp, sử dụng hóa chất độc hại và nhiều rủi ro. “Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó, DN không thể bán vào thị trường khác”- ông Đinh Văn Hương cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ trên, ông Phạm Vũ Hà- Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho hay: 85% sản lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi phía Trung Quốc ngừng thu mua, chuyển sang mua sắn Thái Lan thì DN trong nước rơi vào tình cảnh tồn kho, ứ đọng hàng chục ngàn tấn. Đơn cử như công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tồn 27.000 tấn; Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư Fococev Hồ Chí Minh tồn kho 25.000 tấn… Trong đó, chỉ tính riêng tinh bột sắn, đến 20/6/2014, lượng tồn kho đã lên tới 150.000 tấn.

Chủ động tìm kiếm bạn hàng, đa dạng hóa thị trường

TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hội nhập là yêu cầu tất yếu để phát triển của mỗi quốc gia và tham gia hội nhập, các nước đều phải chấp nhận rủi ro. Trung Quốc là quốc gia mới trỗi dậy, một nền kinh tế lớn nên Việt Nam “không thể không chơi”. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải “chơi” như thế nào để tăng “lợi” và giảm “hại”.

Cũng theo phân tích của ông Võ Trí Thành, trong đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 9 về tổng số vốn FDI vào Việt Nam, nhưng họ lại nắm những dự án nhạy cảm ở lĩnh vực như giao thông, năng lượng. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 25% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với doanh thu 500 triệu USD/năm, Trung Quốc cũng không thể ồ ạt cấm cửa đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sang Việt Nam, tức là cắt 100% thương mại giữa 2 nước thì Trung Quốc sẽ thiệt hại.

“Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ giữa các tập đoàn lớn trên thế giới. 60% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là của các tập đoàn xuyên quốc gia như: Sam Sung, Canon, Toyota… nên Trung Quốc không thể cắt bỏ. Mặt khác, Trung Quốc đang hưởng lợi từ các các hợp đồng thương mại này. Bên cạnh đó, nước nào gây hấn thì hình ảnh của nước đó ngày càng xấu đi”- Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Hiến kế giúp DN Việt Nam có thể tự chủ về kinh tế trong thế giới phụ thuộc, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Công bằng mà nói, việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc trên thực tế mang lại nhiều lợi ích cho DN Việt Nam vì giá cả tương đối thấp, thời gian giao hàng nhanh do điều kiện địa lý gần gũi. Chúng ta cần tận dụng những lợi thế có được từ cường quốc láng giềng này. Tuy nhiên, do yêu cầu đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nên chúng ta cần phải đa dạng hóa nguồn cung, giá cả cao hơn, chất lượng và công nghệ cao hơn nhằm đảm bảo lợi ích của nền kinh tế Việt Nam. Bởi nếu chúng ta tiếp tục theo quán tính cũ, đà cũ trong việc xuất sang Trung Quốc các mặt hàng có giá trị thấp, công nghệ thấp như hiện nay thì Việt Nam sẽ không nâng cao được tính cạnh tranh cũng như giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, việc đa dạng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, bạn hàng cần được xem hướng đi lâu dài, nỗ lực lâu dài. Trong đó, không chỉ đa dạng hóa thị trường đầu vào mà còn cả đầu ra. Đó cũng là cách để chúng ta phát triển bền vững trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau với nhiều biến động

Huyền Thanh
.
.
.