Trước thềm hội nhập WTO

Chủ Nhật, 06/02/2005, 07:05
Những kết quả của vòng đàm phán lần thứ 8 của Việt Nam để gia nhập WTO vừa qua cho thấy: Tuy chúng ta đạt được những kết quả tích cực qua đàm phán với Cộng đồng Châu Âu (EU) nhưng kết quả với Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khoảng cách.

Điều này vừa đòi hỏi chúng ta phải có những sửa đổi, bổ sung về mặt luật pháp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, đầu tư, bảo đảm đạt được kết quả tích cực trong các vòng đàm phán tiếp theo, vừa đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước phải đặc biệt chú trọng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ hơn nữa.

Bốn năm qua (2001 - 2004), nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Sau một số năm cuối thế kỷ XX, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút. Đến năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%, đây là năm được đánh giá đã chặn được đà giảm sút về tăng trưởng kinh tế. Năm 2001, mặc dù còn nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ nhưng chúng ta đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt mức tăng trưởng 6,9%; năm 2002 là 7,04%; năm 2003 đạt 7,3% và năm 2004 dự kiến đạt 7,6%. Đây là mức tăng trưởng thuộc loại cao trong khu vực.

Đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu có chất lượng cao.

Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị các ngành sản xuất, dịch vụ trong GDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp trong GDP giảm  từ 23,2% năm 2001 xuống còn 20,4% năm 2004; tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 38,1% năm 2001 lên 41,1% năm 2004; tỷ trọng giá trị ngành dịch vụ: năm 2001: 38,6% và năm 2004 chiếm 38,5%.

Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá, năm 2004 kim ngạch xuất khẩu tăng xấp xỉ 20%, đặc biệt đã chú ý nâng cao tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến... Thu ngân sách vượt xa dự  toán đề ra. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước tăng lên hàng năm. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2004 dự kiến đạt hơn 251 ngàn tỷ đồng, tăng 15,3% so với thực hiện năm 2003 và bằng 35,4% GDP; nguồn vốn này đã tập trung vào phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát huy lợi thế so sánh của từng ngành, từng vùng và từng lĩnh vực, sản phẩm cụ thể.

Từ kết quả đầu tư năm 2004, năng lực chủ yếu của một số ngành tăng đáng kể (công suất nguồn điện tăng 2.210 MW, than 0,7 triệu tấn, dầu thô 0,3 triệu tấn, thép cán 505 nghìn tấn, xi măng 1,4 triệu tấn, đường quốc lộ 1.557 km...).

Bước vào kế hoạch năm 2005 trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của 4 năm 2001 - 2004 chưa đạt mức bình quân của kế hoạch 5 năm (2001 - 2005), một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch 5 năm, đây là những thử  thách to lớn và nặng nề, cả ở trong nước và đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì thế mục tiêu chủ yếu của năm 2005 là phải tập trung phát triển kinh tế nhanh với bước tiến mới về chất lượng tăng trưởng kinh tế; huy động các  nguồn lực đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cùng với việc khai thác tốt thị trường trong nước; Đổi mới mạnh hơn nữa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, chú trọng nâng cao chất lượng; Cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; Vận hành có hiệu quả thị trường tài chính và bất động sản để tạo năng lực phát triển mạnh trong nền kinh tế; Tăng cường công tác cải cách thể chế kinh tế; Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

Trong quá trình chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch, để đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2001-2005) với mức tăng trưởng GDP  bình quân 7,5%/năm thì năm 2005 cần phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8,8%. Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế trên, theo chúng tôi cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chủ yếu có tính đột phá sau đây:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Huy động  tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước.--PageBreak--

Cần tập trung khai thác và sử dụng tối đa các nguồn lực trong nước, nhất là các nguồn lực từ đất đai, tài sản công, nguồn lực trong dân; Đa dạng hoá các nguồn lực để xã hội hoá mạnh hơn cả trong kinh tế và xã hội. Ban hành các cơ chế, chính sách để khai thác thế mạnh của khối kinh tế dân doanh trên cơ sở tạo sự bình đẳng thực sự giữa các chủ thể kinh tế.

Cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Sớm xây dựng Luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư áp dụng thống nhất cho đầu tư trong và ngoài nước. Với mục tiêu lấy năm 2005 là năm nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí và nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản, cần đề cao tính kỷ cương, kỷ luật trong công tác đầu tư và xây dựng.

Nhóm giải pháp thứ hai: Cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy các đơn vị kinh tế nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Sửa đổi, ban hành để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thật sự bình đẳng trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các thành phần kinh tế phù hợp với phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; Chú trọng tính minh bạch, nhất quán và ổn định của pháp luật; Xác định rõ lộ trình xóa bỏ bao cấp, bảo hộ trong sử dụng  nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Tập trung thực hiện tốt 3 Luật thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt) và những nội dung sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế, nhất là cáckhoản thu nội địa.

Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định AFTA và các cam kết quốc tế theo hướng chỉ bảo hộ qua thuế đối với số ít sản phẩm quan trọng. Tiếp tục thực hiện tốt Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và công khai ngân sách các cấp. Xử lý nghiêm những  trường hợp vi phạm pháp luật về ngân sách, gây lãng phí,thất thoát tiền của Nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia... Điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ hợp lý để kiểm soát giá cả trong tầm dự toán để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại thị trường, tách bạch hẳn hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy luật của thị trường. Có biện pháp mạnh mẽ để khai thác thế mạnh của thị trường chứng khoán.

Nhóm giải pháp thứ ba: Tạo bước phát triển mới về kinh tế đối ngoại trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, đẩy mạnh  sản xuất hàng xuất khẩu có chất lượng cao để tăng nhanh khối lượng hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu đã qua chế biến. Quản lý chặt chẽ nhập khẩu đối với từng nhóm hàng để hạn chế nhập siêu.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện thể chế, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và phù hợp với quy định chung của WTO; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, xây dựng thương hiệu... để hoạt động có hiệu quả khi dỡ bỏ hàng rào bảo hộ

GS.TSKH Tào Hữu Phùng
.
.
.