Trung tâm cụm xã Đắk Dục (Kon Tum): Nhiều hạng mục bị "niêm phong"

Thứ Tư, 07/05/2008, 15:32
Đến trung tâm cụm xã (TTCX) Đắk Dục hôm nay, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chợ lồng nằm chỏng chơ không một bóng người. Phía bên trái chợ là trạm khuyến nông - khuyến lâm đã bỏ hoang từ thuở nào. Phía bên phải chợ là bến xe với cái cổng không còn nguyên vẹn và căn nhà bán vé thì đã có người "tận dụng" làm chỗ để phơi vỏ cây bời lời.

Tiến lên phía Bắc chợ, chúng tôi thấy đài truyền thanh cũng "cửa đóng, then cài" và sân vận động cỏ mọc um tùm. Qua hơn 10 năm hoạt động, phần lớn các hạng mục công trình không phát huy hiệu quả.

Sau khi mục sở thị một vòng xung quanh khu vực TTCX Đắk Dục, chúng tôi bước vào trụ sở UBND xã Đắk Dục. Tại đây, anh Phạm Công Lượng, cán bộ văn phòng UBND xã lắc đầu rồi kể: Từ khi TTCX Đắk Dục được hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, bến xe và chợ không một ngày hoạt động. Chúng tôi chỉ biết nó xây xong rồi để đó.

Còn đài truyền thanh đầu tư trên 500 triệu đồng, sử dụng đến năm 2004 thì bị sự cố chập điện cháy và cũng được "niêm phong" từ đó. Trạm khuyến nông - khuyến lâm hoạt động gần một năm rồi đóng cửa, đến nay bàn ghế để trong trạm cũng "không cánh mà bay".

Nhà mẫu giáo gồm 2 phòng, rộng chừng 50m2, vừa dùng để làm việc, vừa học tập rất chật chội. TTCX Đắk Dục hiện có vài chục nhà đang ở, trong đó có khoảng 30 hộ đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng của thôn Dục Nhầy ra ở, nhưng với vườn nhà chỉ 400m2, nên phần lớn họ cũng trở vào làng cũ để ở theo tập quán cộng đồng.

Hơn nữa, UBND xã không có chủ trương đưa dân ra ở tại TTCX, vì không biết bố trí công ăn, việc làm cho họ như thế nào. Số diện tích đất ở còn lại trong khu TTCX, theo anh Lượng cho biết, UBND xã đã cấp cho cán bộ xã, trong đó có cả giáo viên, cán bộ y tế và lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn xã, nhưng họ được cấp rồi để đó không dựng nhà ở.

Đường giao thông trong khu TTCX với tổng chiều dài 2,5km, cùng với cầu, cống được đầu tư trên 1,035 tỷ đồng, nhưng thiết kế rất chồng chéo. Điều đáng nói là đường từ quốc lộ 14 được "thiết kế" thẳng tuột vào Trường Tiểu học xã Đắk Dục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập của học sinh.

Trước tình thế này, UBND xã Đắk Dục đã quyết định cho rào con đường này lại. Hơn nữa, đường đi trong khu TTCX lại thiết kế nhiều ô bàn cờ, không phù hợp với lối sống của cư dân miền núi. Sân vận động thì san ủi cẩu thả.

Các hạng mục của TTCX Đắk Dục sau khi xây dựng xong, UBND xã Đắk Dục nhận quản lý theo phương thức "chìa khoá trao tay". Các công trình như: trạm y tế, trường học, nhà văn hoá và trụ sở UBND xã Đắk Dục vẫn đang còn sử dụng, nhưng nhìn chung, đã có những dấu hiệu xuống cấp cần có sự duy tu, sửa chữa.

Chúng tôi trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Lê Ngọc Tuấn và được anh Tuấn cho biết: "Dự án TTCX Đắk Dục thực chất là không có hiệu quả. Chúng tôi đã có báo cáo với HĐND tỉnh, nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời".

Như vậy, nguyên nhân là do không có sự quản lý chặt chẽ của chủ đầu tư là UBND huyện Ngọc Hồi, cũng như đơn vị tiếp nhận quản lý là UBND xã Đắk Dục.

Qua đây cho thấy, việc quản lý đầu tư xây dựng TTCX Đắk Dục còn những sai sót trong việc xác định lựa chọn danh mục công trình đầu tư, chưa phù hợp với thực tế yêu cầu sử dụng và phong tục tập quán của người dân địa phương

Vĩnh Hà
.
.
.