Trợ giá, trợ cước cho... tư thương

Thứ Bảy, 15/12/2007, 10:43
Theo quy định 1kg muối iốt trợ giá trợ cước có giá 900 đồng nhưng ở các xã miền núi tỉnh Quảng Trị, cũng chính 1kg muối iốt trợ giá trợ cước đó người dân phải mua lại từ tay tư thương với giá từ 1.500 - 2.000 đồng.

Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị là đơn vị được UBND tỉnh này giao nhiệm vụ mua và vận chuyển hàng trợ giá trợ cước đến các xã miền núi để trực tiếp bán cho đồng bào vùng cao của tỉnh. Nhưng không hiểu tại sao, người dân ở đây đã phải mua lại những mặt hàng này từ tay tư thương với giá cao gấp nhiều lần...

Lợi dụng việc trợ giá để đi... buôn

Theo kế hoạch hằng năm, UBND tỉnh Quảng Trị trích ngân sách gần một tỷ đồng giao cho Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị cung ứng hai mặt hàng trợ giá trợ cước là muối iốt và phân bón cho 43 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hoá.

Hàng trợ giá trợ cước được các cấp chính quyền địa phương nắm bắt theo quy trình hoạt động, đó là: Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị mua và vận chuyển hàng lên miền núi sẽ thông báo cho xã để xã kiểm tra và nắm số lượng; sau đó xã thông báo cho các thôn bản và thôn bản lại thông báo cho người dân biết để mua hàng.

Quy trình là vậy nhưng chẳng hiểu sao tại các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt và một số xã khác nữa trên địa bàn huyện Đakrông người ta đã phá lệ. Tìm hiểu thực tế, các ông Hồ Văn Kheo, Kôn Liên, Hồ Trọng Biên, Chủ tịch UBND các xã A Bung, A Ngo và Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt (Đakrông) cho biết, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị không hề thông báo cho xã, mà họ đã tự ý vận chuyển hàng lên miền núi bán lại cho các tư thương.

Theo quy định 1kg muối iốt trợ giá trợ cước có giá 900 đồng nhưng ở đây cũng chính 1kg muối iốt trợ giá trợ cước đó người dân phải mua lại từ tay tư thương với giá từ 1.500 - 2.000 đồng.

Thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2007, công ty này đã vận chuyển 685 tấn muối iốt và gần 2.300 tấn phân bón trợ giá trợ cước bán cho đồng bào miền núi.

Ông Phạm Đăng Vĩnh, cán bộ nghiệp vụ công ty này cho biết, ai có nhu cầu đều bán, kể cả tư thương và bán với giá gốc(?!). Vị cán bộ này chẳng ngần ngại thừa nhận công ty đã bán hàng trợ giá trợ cước cho tất cả các tư thương theo kiểu khách hàng là thượng đế, chỉ khác ở chỗ họ không kinh doanh mà là phục vụ(?!).

Dù rất muốn tin lời của vị cán bộ nghiệp vụ nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn trước nguồn vốn gần một tỷ đồng của tỉnh đã đổ vào hàng trăm tấn muối trợ giá trợ cước.

Điều băn khoăn đó đã được lý giải phần nào khi chúng tôi tình cờ gặp mẹ con bà Trần Thị Thuỷ ở thôn Cu Tai 1, xã A Bung. Bà Thuỷ cho biết gia đình bà mở đại lý bán hàng hơn sáu năm nay. Từ đầu năm đến nay, bà mua của Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị 5 tạ muối với giá 1.300 đồng/kg, bán lại cho bà con 1.500 đồng/kg. Hiện số muối này đã bán gần hết.

Móc nối với cán bộ xã trục lợi

Tại xã Tà Rụt, ông Trần Quang Quý, cán bộ nghiệp vụ Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị dẫn chúng tôi đến kho hàng trợ giá trợ cước của công ty nhưng rồi khi mở cửa, ông Quý chợt nhớ ra là kho hàng không có hàng nên không mở kho nữa.

Ông Quý lại dẫn chúng tôi đến kho chứa muối của gia đình và giới thiệu trong kho còn ba bao muối iốt. Theo lời ông Quý thì do nhu cầu của bà con rất lớn nên trong kho ít khi còn hàng. Tuy nhiên, ở các cửa hàng tư thương bao giờ cũng sẵn hàng trợ giá trợ cước!

Vì sao Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị có thể dùng tiền Nhà nước để đi buôn trong khi phải có đầy đủ thủ tục giấy tờ hợp pháp để báo cáo ngành chức năng sau mỗi lần mua hàng và vận chuyển hàng lên miền núi bán cho đồng bào? Ông Kôn Liên, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, sở dĩ công ty trên làm được vậy là do có sự tiếp tay của một số cán bộ xã, bản thân ông mới phát hiện ra sự việc này.

Dù gì đi nữa, về bản chất hàng trợ giá trợ cước là chính sách ưu đãi của Nhà nước bằng việc Nhà nước bù lỗ giá và cước phí vận chuyển để giúp đồng bào miền núi mua được các mặt hàng đó với giá rẻ, tránh tình trạng bị tư thương ép giá theo thị trường và mục đích cuối cùng là giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người dân tại các thôn bản.

Song chính đơn vị được giao trọng trách này là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị đã lợi dụng để thu lợi bất chính

Phan Thanh Bình
.
.
.