Triệt phá vụ mua bán hoá đơn VAT lớn nhất Hà Nội

Thứ Hai, 17/01/2005, 14:05
Trong số các "liên" của hóa đơn VAT thu được tại nhà Thành và Châu, cơ quan điều tra đã có đủ tài liệu cho thấy có trên 60 đơn vị là tổ chức Nhà nước, tư nhân có dấu hiệu sử dụng hóa đơn VAT do đường dây của Thành "hoá phép".

Ngày 11/1, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 3 đối tượng gồm: Trần Thị Thành, 44 tuổi, hiện trú ở ngách 201/8 đường Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Thành hiện đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã);  Nguyễn Thị Thu Hà (khởi tố cho tại ngoại), 38 tuổi, trú ở 20 ngõ Lê Đại Hành  (cả hai đối tượng trên đều bị khởi tố về tội "Mua bán tài liệu cơ quan Nhà nước") và Nguyễn Thị Cẩm Châu, 36 tuổi, hiện ở tập thể Phương Mai, Đống Đa, bị bắt giữ với tội danh "Làm, tàng trữ, lưu hành giấy tờ có giá trị giả và mua bán tài liệu cơ quan Nhà nước".

Đối tượng cầm đầu đường dây là Trần Thị Thành, dân buôn bán tự do. Thành tổ chức cho nhiều người thành lập công ty để có hóa đơn của cơ quan thuế, sau đó đưa hóa đơn cho Thành tiêu thụ.

Lâu nay, việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn VAT chỉ bị cơ quan chức năng xử lý hành chính (trừ trường hợp người mua và người bán dùng hóa đơn này để xin hoàn thuế VAT thì mới bị xử lý hình sự). Cơ sở pháp lý cho việc khám phá vụ án này là Thông tư liên tịch số 01 của liên Bộ Công an - TAND tối cao và Viện KSND tối cao về hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi "mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn VAT".

Tiếp tay đắc lực trong việc tiêu thụ hóa đơn VAT phải kể đến Nguyễn Thị Cẩm Châu, chủ Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp kỹ thuật và buôn bán vòng bi ở phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Nhưng thực chất công ty này chỉ là hình thức để che giấu việc doanh nghiệp bán hóa đơn VAT cho nhiều đơn vị khác, thu tiền bất hợp pháp.

Trong số khách hàng của Châu có nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã mua một lượng hóa đơn VAT với giá trị rất lớn. Cùng thủ đoạn với Châu là Nguyễn Thị Thu Hà. Các hóa đơn do công ty của Hà quản lý đều được giao về cho Thành tiêu thụ.

Từ các tài liệu thu thập được, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được 52 doanh nghiệp có quan hệ mua bán hóa đơn VAT với các đối tượng trong vụ án. Các doanh nghiệp này chủ yếu được thành lập trong năm 2004. Trong đó, một số công ty có tên trong thông báo doanh nghiệp bỏ trốn của cơ quan thuế.

Ngày 4/1, khám nhà riêng và địa điểm kinh doanh của Nguyễn Thị Cẩm Châu cùng nhà Trần Thị Thành, lực lượng chức năng đã thu 40 quyển hóa đơn VAT gồm các loại hóa đơn VAT khống và lưu (liên 1) của nhiều công ty; khoảng 50 giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận mã số thuế của gần 50 công ty...

Trước cơ quan Công an, lời khai ban đầu của Châu cho thấy, với loại hàng hóa có thuế suất VAT 10% thì Châu thu của "khách" 2,4%, sau đó chi cho Thành 1,8%; hoá đơn với hàng có mức VAT 5% thì Châu thu 1,2%.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Đỗ Thuận, 26 tuổi, quê quán ở Văn Khê, Mê Linh, Vĩnh Phúc, nhân viên Công ty Xuất nhập khẩu Y tế, Bộ Y tế là đối tượng mua hóa đơn VAT để hợp thức hàng hóa thì với hàng có thuế 10%, Châu thu 7-8%, hàng có thuế 5% thì Châu thu 3%

Minh Khoa - Ngọc Tước
.
.
.