Tránh nguy cơ thành 'vùng trũng' của hàng giả

Chủ Nhật, 21/06/2015, 08:37
Trong thời đại hội nhập hiện nay, khi hàng rào thuế quan dần dần hạ xuống bằng 0, buôn lậu sẽ không còn là câu chuyện nhức nhối, thay vào đó sẽ là hàng giả, hàng nhái.

Việt Nam phải tránh nguy cơ trở thành vùng trũng của hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong khi “sức đề kháng” của nền kinh tế với vấn nạn này vẫn còn chưa cao. Đó chính là thông điệp được các doanh nghiệp tâm huyết trong nước mang đến trong Tọa đàm chống hàng giả, hàng nhái được tổ chức sáng 20/6, với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện hoành hành ở tất cả các lĩnh vực. Ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tôn Hoa Sen cho biết tình trạng này đã nhức nhối nhiều năm trong ngành tôn, thép. Vi phạm chủ yếu dưới 3 hình thức: tôn gian lận độ dày, kém chất lượng, hoặc tôn giả, tôn nhái. Chỉ cần trang bị một máy in phun đơn giản, các cơ sở dễ biến tôn kém chất lượng thành tôn của nhà sản xuất nổi tiếng để trục lợi. Không chỉ vậy, các DN gian lận không bao giờ xuất hoá đơn, gian lận thuế của nhà nước nên tôn bán ra thấp hơn hẳn chính hãng, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của DN chính hãng và chất lượng công trình. Đại diện Tập đoàn Dầu khí phản ánh về tình hình gas giả. 

Lực lượng chức năng thu giữ một lô hàng giả.

Bà Phạm Thì Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bia nước giải khát Sài Gòn, thương hiệu bia lớn nhất của Việt Nam hiện nay thì lên tiếng về bia, rượu giả. Tăng trưởng liên tục của ngành bia, nước giải khát năm qua khiến bia rượu giả ngày càng nhiều, phức tạp và tinh vi. Năm  2013, xử lý khoảng 48.000 lít rượu, 12.000 lít bia lậu và giả thì sang 2014 đã xử lý 54.000 lít rượu vi phạm nguồn gốc, nhãn hiệu và 32.000 lít bia vi phạm nhãn hiệu. Riêng giả nhãn hiệu bia Sài Gòn cũng đã phát hiện ra nhiều vụ việc, điển hình là hai vụ với 2.200 chai Sài Gòn giả thành phẩm ở Bình Tân. Chưa kể đến các chiêu bài cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ, như giả cho dị vật vào bia để phá hoại uy tín... 

Ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Công ty máy động lực và máy công nghiệp Việt Nam cho biết một số sản phẩm bị làm nhái là động cơ diesel, giả máy xay xát. Một trong những ngành nhức nhối nhất về hàng giả, hàng nhái hiện nay là mỹ phẩm. 

Ông Lê Quang Dũng, đại diện Hội Mỹ phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết cứ thương hiệu nào bắt đầu xây dựng được uy tín sau nhiều năm chật vật là lại có hàng giả xuất hiện. Không chỉ sản xuất trong nước, mỹ phẩm giả từ Trung Quốc tuồn vào trong nước rất nhiều, nhưng các DN lại lúng túng đối phó, không biết báo với ai.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Trong 5 tháng đầu năm nay cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 80 nghìn vụ vi phạm, trong đó có 8800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, cho thấy hàng giả chiếm khoảng 10% so với tổng vụ vi phạm bắt giữ. Tuy phát hiện số lượng khá lớn, nhưng 6 tháng đầu năm nay mới có 25 vụ bị khởi tố hình sự với trên 40 bị can. Nhiều DN vẫn chưa có ý thức phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý những vụ việc này. Thậm chí, một bộ phận nhỏ chi nhánh bán lẻ của các thương hiệu còn tiếp tay cho hàng giả tuồn vào Việt Nam. 

Mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trên thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, với sự ra đời của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng các thông tin được người dân cung cấp, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc lớn như vụ bắt giữ sản xuất phân bón giả ở Long Thành (Đồng Nai). Tuy nhiên, tới đây khi Việt Nam ký kết càng nhiều các Hiệp định Thương mại tự do, sẽ không tránh khỏi làn sóng hàng hoá các nước tràn vào giả xuất xứ để được ưu đãi thuế, tức là sức ép sẽ không hề giảm đi.

Nhận định về tình hình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua hàng lậu, hàng giả hoành hành có phần do cơ quan chức năng chưa vào cuộc một cách nghiêm túc, thậm chí còn hiện tượng bao che tiếp tay, chứa chấp hàng  giả. Tuy nhiên, trong đó cũng có phần của DN, phần của người tiêu dùng còn dễ dãi với vấn nạn này. 

Đã nhiều lần nhắc nhở phải mạnh tay hơn nữa với hàng lậu, hàng giả, tại tọa đàm này, Phó Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra xử lý các vụ buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ lương thực thực phẩm, đặc biệt là các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Lực lượng chống buôn lậu, hàng giả sẽ được củng cố và những cán bộ dung túng, tiếp tay chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm. Cơ chế, chính sách cũng sẽ được chỉnh sửa lại cho phù hợp. 

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực đó của Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng đề nghị người tiêu dùng chung tay, từ những hành động nhỏ như lấy hoá đơn, chứng từ khi mua hàng để sau này có chứng cứ xử lý khi có vụ việc. Kiên quyết tẩy chay hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và cả những cửa hàng, DN kinh doanh hàng hoá này. Doanh nghiệp cũng cần làm tốt  hơn, hướng dẫn tiêu dùng cho người dân, có trách nhiệm bảo vệ khách hàng của mình và chỉ ra những cách nhận biết hàng giả hàng nhái. 

“Cần làm tốt để chiếm lĩnh được thị trường gần 100 triệu dân và có nguồn lực chống lại thói quen tiêu dùng không lành mạnh” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nam Phương
.
.
.