Ngành cơ khí sống dở chết dở vì sao?

Thứ Hai, 14/12/2015, 17:25
Như một phát biểu đầy trăn trở của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước Quốc hội về việc nền tảng sản xuất của đất nước đang mất dần đi, nhiều chuyên gia và những người làm chính sách cũng băn khoăn về sự biến mất của các DN cơ khí tại các địa phương sau khi cổ phần hoá.

Là một yếu tố không thể thiếu nếu đất nước muốn trở thành nước công nghiệp, nhiều DN cơ khí cho rằng, hiện ngành này chưa thể phát triển dù Chính phủ đề ra rất nhiều chính sách hỗ trợ là do chính sách vẫn hầu như ở trên giấy.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung cho biết: Nhiều DN cơ khí rất tâm huyết mong ngành phát triển và thời gian qua đã dành hết công sức đầu tư dây chuyền công nghệ thiết bị để “đón lõng” chủ trương phát triển ngành cơ khí hiện đại. Tuy nhiên, hiện các nguồn lực của Nhà nước còn có hạn, mà lại phân bố không đồng đều, đầu tư cho ngành cơ khí rất ít, không thể thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng.

Không có một ngành cơ khí phát triển sẽ không thể có một nền sản xuất tiên tiến.

“Đầu tư cho ngành này rất rộng: cơ khí nông nghiệp, cơ khí giao thông, cơ khí xây dựng, cơ khí chế tạo máy… Các loại này có hàng nghìn sản phẩm khác nhau, mà tất cả đều cần có 7 bước để thành công: thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm, xuất xưởng. Việt Nam hiện có mỗi khâu lắp ráp, các khâu còn lại không tham gia đầu tư thì làm sao thành công được. Chúng ta không định hướng, quan tâm đầu tư thì làm sao đất nước hội nhập được vào các chuỗi toàn cầu, cũng không có được công nghiệp hỗ trợ. Chính sách Chính phủ ra rất nhiều nhưng không đến được với các DN, vì chúng ta muốn cho nó phát triển mà không định lượng được dành cho nó bao nhiêu tiền, ai chỉ đạo triển khai, ai đôn đốc… Tôi cho rằng, với nguồn lực có hạn, phải đầu tư có trọng điểm và nên đầu tư vào thiết kế, rồi đến khuôn mẫu, tạo phôi… Nếu không đầu tư tập trung thì không bao giờ thành công được” – ông Cường cho biết.

Chia sẻ quan điểm tương tự, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh nhận định chúng ta yếu ở chỗ chỉ có định hướng chung mà thiếu chính sách cụ thể, nên chủ trương chỉ thành khẩu hiệu. “Ngành cơ khí đứng ở vị trí  rất thấp. Chúng ta chủ yếu quan tâm đến lắp ráp, không đi đồng bộ từ thiết kế khuôn mẫu, chế tạo, bán thành phẩm… ngoại trừ một số ngành như thiết bị điện. Với DN thì chúng tôi cần thị trường, không có thị trường thì đầu tư xong cũng phá sản”.

Ông Quang cho rằng, các nước khác hỗ trợ DN cơ khí trong nước rất cao, nhưng ở Việt Nam, có những sản phẩm trong nước sản xuất được đã đăng ký ở Bộ Công Thương nhưng vẫn nhập khẩu tự do. “Kinh nghiệm một số nước, trong đó đặc biệt Trung Quốc rất thành công với mô hình mua về 1 thiết bị, sau đó cho một số viện thiết kế nghiên cứu và sản xuất, rồi không nhập nữa, biến nó thành của mình. Có như vậy DN mới có thị trường”.

Nhìn ở khía cạnh người làm chính sách, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công thương cho rằng: Có 2 loại hàng hoá phải phân biệt rõ: thứ nhất là hàng hoá được vận hành theo thị trường, thứ hai là phần bắt buộc phải có bàn tay hữu hình của nhà nước. Trong chiến lược phát triển ngành phải xác định được phần nào có bàn tay Nhà nước, phần nào để quy luật thị trường vận hành. Việc đầu tư hỗ trợ, cho vay ưu đãi, cho thuê đất… hình như không có tác dụng, nên chăng tạo cho các DN thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, chính các DN phải xác định được quỹ đạo của mình, thế mạnh sản phẩm của mình, phải có lượng thông tin nhất định, rồi với năng lực sẵn có về con người, kỹ thuật để cho ra một sản phẩm “tinh”.

“Mỗi DN phải xác định mình định làm gì trong cuộc chơi này và cũng không nên hi vọng gì vào nguồn vốn nhà nước. Dùng chính tiền của mình thì sẽ đầu tư có hiệu quả nhất. Hiện một số viện, trường hoặc DN đã huy động được vốn trong xã hội. Tôi xin nói là sau khi hội nhập rồi thì nguồn vốn càng dồi dào, vốn rất nhiều, vấn đề là DN phải thuyết phục được nhà đầu tư làm gì để sinh lời. Với những người làm chính sách thì phải định rõ nhóm sản phẩm, dung lượng thị trường là bao nhiêu.

Ví dụ, thiết bị nhà máy nhiệt điện có dung lượng thị trường khoảng 70-80 tỷ USD chẳng hạn, trong đó trong nước làm được 30-40 tỷ USD, thì nhà đầu tư trong nước sẵn sàng làm, sẵn sàng cạnh tranh cả với nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng là người dân có tiền và muốn đầu tư, nhưng chúng ta chưa chỉ ra cho họ đầu tư như thế nào”, ông Sáng phân tích.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ tưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, một số lĩnh vực như công nghiệp ôtô, cơ khí nông nghiệp, ngành sản xuất các thiết bị điện, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí được xác định là có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai.

“Trên thực tế hiện nay nhu cầu phát điện tăng trưởng rất nhanh, trên 10%/năm, sắp tới sẽ xây dựng hàng chục nhà máy điện, suất đầu tư khoảng 2 tỷ USD, thì chúng ta có dung lượng thị trường cơ khí chế tạo rất lớn. Hiện nay, Thủ tướng đang giao thí điểm một số nhà máy điện như Quảng Trạch 1, nếu thành công các dự án này thì trình độ năng lực các DN cơ khí của chúng ta sẽ được nâng lên một bước và trên cơ sở đó thì sẽ tham gia vào các gói thầu ở cả thị trường trong và ngoài nước”.

Nam Phương
.
.
.