Tràn lan hội chợ kém chất lượng

Chủ Nhật, 14/05/2006, 07:32

Quy định tổ chức Hội chợ (HC), triển lãm (TL) rất nghiêm ngặt nhưng thực tế từ trước đến nay, có rất nhiều HC, TL vi phạm các quy định của pháp luật nhưng không thấy cơ quan nào xử lý. Chất lượng HC bị thả nổi, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp "lèm nhèm" có cơ hội "ăn theo" HC để tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng hoặc kiếm danh hiệu.

Tại "Hội chợ Xúc tiến thương mại hàng chất lượng độc đáo lần 2", doanh nghiệp SD quyết định rút khỏi danh sách tham gia vì cho rằng, chất lượng hội chợ quá tệ. Tại "Triển lãm Vietbuild - ISO thương hiệu hàng đầu hội nhập quốc tế", Công ty Osivn VN cũng phát hiện có một doanh nghiệp sử dụng sản phẩm "nhái" của Công ty Osivn để tham gia triển lãm.

Tại một hội chợ triển lãm về "nhãn hiệu uy tín, chất lượng và công nghệ phòng chống hàng nhái, hàng giả" lại có sự hiện diện của một công ty "siêu lừa" kinh doanh sản phẩm chủ lực là máy lọc nước, máy massage... Trung Quốc sản xuất, nhưng "gắn mác" xuất xứ tại Nhật Bản để lừa người tiêu dùng... Trước thực tế chất lượng hội chợ dởm diễn ra khá phổ biến đã khiến nhiều hội chợ (HC), triển lãm (TL) mất niềm tin từ phía người tiêu dùng…

Chất lượng hội chợ bị thả nổi?

"Theo quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm (HC, TL) thì khi một doanh nghiệp tham gia tổ chức HC,TL thương mại trong nước thì phải tuân thủ các yêu cầu: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Giấy phép thành lập đối với chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, có ngành nghề kinh doanh dịch vụ HC, TL thương mại. Đơn vị tham gia gửi văn bản đăng ký kế hoạch tổ chức HC, TL thương mại hàng năm đến Sở Thương mại nơi tổ chức HC, TL trước ngày 1/10 của năm trước kế hoạch; hàng hóa tham gia HC, TL thương mại phải tuân thủ quy định việc ghi nhãn hàng hóa…".

Quy định là vậy, nhưng thực tế từ trước đến nay, có rất nhiều HC, TL trưng bày và kinh doanh đã vi phạm các quy định của pháp luật nhưng không thấy cơ quan nào xử lý. Chất lượng HC bị thả nổi như vậy nên đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp "lèm nhèm" có cơ hội "ăn theo" HC để tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng.

Trong "HC Xúc tiến thương mại hàng chất lượng độc đáo lần 2" tổ chức dịp cuối năm 2005 tại Cung Văn hóa Lao động (do doanh nghiệp N.T.D.M tổ chức), người tiêu dùng đã hết sức thất vọng vì những sản phẩm "chất lượng, độc đáo" trưng bày tại HC phần lớn là hàng hạ giá, hàng thanh lý, hàng không rõ nguồn gốc... thậm chí là hàng giả, hàng nhái. Đã có doanh nghiệp quyết định rút khỏi HC này vì sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Mỹ phẩm Hàn Quốc giới thiệu tại hội chợ, trên tất cả sản phẩm không dán nhãn phụ tiếng Việt nhưng không ai kiểm tra.

Trong danh sách đăng ký tổ chức HC năm 2006 tại Sở Thương mại, "HC xúc tiến thương mại hàng chất lượng độc đáo lần 3", cũng do doanh nghiệp N.T.D.M tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động vào cuối năm 2006, nhiều người hy vọng với HC lần này, người tiêu dùng sẽ tìm được sản phẩm "chất lượng, độc đáo" đúng với ý nghĩa của HC.

Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số đơn vị tổ chức HC, TL có "thương hiệu" tổ chức khoa học, bài bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp tham gia cũng như người tiêu dùng, thì phần lớn các đơn vị tổ chức HC, TL đã bất chấp mọi cách để chèo kéo doanh nghiệp tham gia, nhất là trong thời điểm số lượng HC, TL "nở rộ" như hiện nay: Năm 2005, số lượng HC, TL tăng khoảng 30% so với năm 2004 và năm 2006 con số đăng ký tại Sở Thương mại đứng ở mức khá cao.

Một doanh nghiệp trong ngành nước uống cho biết: hầu như trên địa bàn thành phố có HC nào thì doanh nghiệp của anh cũng nhận được "thư ngỏ" của đơn vị tổ chức mời tham gia. Có những đơn vị còn mang cả "chữ ký" của cơ quan đầu ngành làm "bửu bối" để kêu gọi doanh nghiệp". Doanh nghiệp này cũng cho biết: "Mỗi năm có không dưới 100 HC, TL, nếu doanh nghiệp nào tích cực chịu bỏ tiền ra để tham gia HC thì cũng sẽ "gặt" được vài chục danh hiệu trong một năm là trong tầm tay".

Cần chấn chỉnh hội chợ kém chất lượng

 Trong thời gian qua, chất lượng HC, TL chưa được cơ quan chức năng quan tâm, và danh hiệu hội chợ "bát nháo" khiến người tiêu dùng không biết phải chọn thế nào. Chẳng hạn, ngoài hai nhóm danh hiệu dành cho thương hiệu sản xuất và quản lý (ISO, HACCP, GMP... ) và cho doanh nghiệp, doanh nhân (Sao đỏ, Sao vàng Đất Việt, gương mặt tiêu biểu...) thì cũng có hàng chục danh hiệu có "xuất xứ" từ các loại HC gắn cho sản phẩm của doanh nghiệp tham gia, từ HC quốc tế, HC khu vực, đến các HC chuyên ngành. Với các "danh hiệu" như: Chất lượng hợp chuẩn, chất lượng độc đáo, người tiêu dùng ưa thích, sản phẩm chất lượng và uy tín... thì thật ra các đơn vị tự phong chứ chưa có cơ quan nào tiến hành kiểm tra, thẩm định để sản phẩm đạt những danh hiệu ấy. Thực trạng này đã không tránh khỏi những trường hợp doanh nghiệp làm ăn chẳng ra gì đã lợi dụng việc tham gia HC với mục đích là để "ẵm" danh hiệu.

Từ thực tế "loạn" HC, một số doanh nghiệp có uy tín cũng đã thận trọng hơn trong việc quyết định có nên tham gia HC hay không để khỏi bị "ê mặt". Thiết nghĩ, việc chấn chỉnh các hoạt động HC, TL là cần thiết, nhất là việc quản lý về chất lượng HC, TL cũng như sự thận trọng trong việc công bố các danh hiệu, thương hiệu. Việc công bố này phải là cơ quan có trách nhiệm cao nhất sau khi có kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn và ý kiến đánh giá của người tiêu dùng

Thúy Hà
.
.
.