Trái cây Việt Nam tìm lối ra từ những thị trường 'khó tính'

Thứ Bảy, 02/05/2015, 13:37
Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia ngày 1/5 cho biết: Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4. Đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán giữa Việt Nam và Australia, một trong những kết quả từ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Được biết, Australia là một trong những nước có các qui định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, trái vải là loại trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào nước này.

Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài… Cụ thể, theo văn bản của Bộ Nông nghiệp Australia gửi Cục Bảo vệ thực vật, kể từ ngày 18/4, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể chính thức xin giấy phép nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật của Australia để ký kết các hợp đồng thương mại.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Rau quả, các doanh nghiệp ở phía Nam cũng đang làm việc với các đối tác tại Bắc Giang để chuẩn bị xuất khẩu trái vải tươi sang thị trường Mỹ trong vụ vải năm nay, sau khi Mỹ cho phép nhập quả vải Việt Nam. Một số doanh nghiệp đang lựa chọn vùng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời cũng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu tìm biện pháp bảo quản và vận chuyển trái vải tốt nhất. Với những tín hiệu này, nếu làm tốt, có thể trong những năm tới sẽ không còn cảnh vải cũng ùn ứ tại cửa khẩu, đồng thời nâng cao giá trị của loại trái cây này.

Có thể nói, cùng với những tin tức xấu về việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sụt giảm những tháng đầu năm, khó khăn trong thương mại biên giới với Trung Quốc dẫn đến ùn ứ dưa hấu, ế hành tím... trong thời gian qua, việc trái cây Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập được đến một số thị trường khó tính là một dấu hiệu rất được kỳ vọng.

Nhiều cơ hội mới đang mở ra với trái cây Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Lượng trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường khó tính đang tăng nhanh. Riêng trong quý I, 1.179 tấn trái cây các loại xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, bằng 32% so với con số 3.662 tấn của cả năm 2014. Tuy tốc độ không thực sự nhanh, nhưng mặt hàng này đã cho thấy sự tăng trưởng, nhất là trong điều kiện xuất khẩu nông sản nói chung của Việt Nam đang suy giảm.

Riêng trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 2 đã giám sát khoảng 952,4 tấn thanh long, gần 147 tấn chôm chôm, 22,4 tấn nhãn và 57 tấn xoài xuất sang các thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand. Con số này của 2 tháng đầu năm là trên 945 tấn thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, trong đó chủ yếu là thanh long với tỷ trọng gần 80%. Trong 4 thị trường trên, Mỹ nhập khẩu thanh long tươi lớn nhất của Việt Nam với 450 tấn, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Được biết, với mặt hàng xoài, sau thời gian thăm dò thị trường Hàn Quốc cũng đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 46,8 tấn xoài vào Hàn Quốc, xấp xỉ bằng khối lượng của cả năm 2014. Năm 2015, dự kiến Việt Nam cũng xuất khẩu thêm xoài, vú sữa vào Mỹ, xoài và thanh long vào Australia, Nhật Bản cũng có thể mở cửa cho trái xoài Việt trong năm nay.

Tuy vậy, có cơ hội chưa phải là tất cả. Thương vụ Việt Nam tại Australia đặc biệt lưu ý những yêu cầu ngặt nghèo của Australia để xuất khẩu trái vải tươi vào thị trường này. Theo đó, chúng ta phải đảm bảo 5 yêu cầu: Về vùng trồng, phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả, áp dụng GAP và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh. Cơ sở đóng gói vải phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số...

Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Australia phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng carton đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ thực phẩm đã được chiếu xạ. Các cơ sở chiếu xạ cũng phải được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (hiện Việt Nam mới có 2 cơ sở là Công ty Chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú) theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam...

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đang giám sát và đánh giá trước khi cấp mã số vùng trồng nhãn và vải ở phía Bắc, để xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái nhãn, vải ở phía Bắc phức tạp hơn các loại trái cây phía Nam do phía Bắc chưa có nhà máy đóng gói trái cây được phía Mỹ cấp chứng nhận, cũng như không có nhà máy chiếu xạ. Do đó, sau khi thu hoạch, quả vải được vận chuyển vào phía Nam để đóng gói và chiếu xạ trước khi xuất khẩu, sẽ gia tăng chi phí và nâng giá sản phẩm.

Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng đây là những cơ hội không thể bỏ lỡ và là hướng phát triển cho trái cây Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung, khi việc xuất sang Trung Quốc hiện đã gặp rất nhiều cản trở. Được biết, Thương vụ Việt Nam đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá trái vải Việt Nam tại Australia đồng thời với việc Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người trồng vải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật để chuẩn bị cho việc tiếp tục “tấn công” các thị trường khó tính. 

Nam Phương
.
.
.