Tp.HCM: Xuất khẩu rau an toàn ra nước ngoài

Thứ Sáu, 03/12/2004, 08:39

Tp.HCM có hơn 2.800 ha diện tích gieo trồng rau an toàn. Không chỉ cung cấp cho thị trường thành phố, rau an toàn đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cuối năm 2004, cùng với việc tăng gấp đôi diện tích gieo trồng, thành phố sẽ có đợt xuất khẩu rau an toàn thứ 2 sang Nhật.

Quyết định số 104/2002/QĐ - UB ngày 19/9/2002 của UBND Tp. HCM đã xác định Rau an toàn (RAT) là loại cây nằm trong chương trình trọng điểm của thành phố. Công tác triển khai sản xuất RAT được đẩy mạnh với sự tham gia của: Sở NN & PTNT, Sở Y tế, Sở Thương mại, UBND các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... nhằm thực hiện công tác quy hoạch, khảo sát vùng RAT.

Nếu như năm 2001, diện tích trồng RAT chưa tới 200 ha, thì đến nay diện tích gieo trồng trên địa bàn thành phố đạt hơn 2.800 ha (cuối năm 2004 sẽ đạt hơn 5.000 ha, với sản lượng hơn 100.000 tấn RAT). Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP), nhất là ngộ độc do rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã giảm hẳn. Năm 2002 có 29 vụ NĐTP (trong đó có 9 vụ do dư lượng hóa chất BVTV) thì năm 2003 giảm còn 22 vụ ngộ độc. 9 tháng đầu năm 2004 có 19 vụ ngộ độc nhưng không có vụ nào về dư lượng hoá chất BVTV. Tại chợ RAT (chợ Bến Thành) qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng chưa phát hiện trường hợp nào về dư lượng thuốc BVTV trên rau quả.

Cần được hỗ trợ để có thương hiệu

Hướng đến tổ chức sản xuất RAT đồng bộ trên địa bàn thành phố, ngành Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ nông dân trồng rau thành lập được 18 tổ sản xuất RAT, với hơn 858 hộ và diện tích gieo trồng 1.635 ha. Một liên tổ sản xuất và một HTX sản xuất RAT cũng được xây dựng tại xã Tân Phú Trung - Củ Chi. Đây là mô hình hoạt động rất hiệu quả, được ngành Nông nghiệp hỗ trợ xây dựng trang web để giới thiệu và giao dịch sản phẩm RAT. Hiện nay, bình quân lợi nhuận của mỗi xã viên đạt 1.570.000 đồng/tháng. Vì thế, RAT hiện là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

Tuy đã tìm được hướng đi, đã được người tiêu dùng tin cậy, nhưng RAT vẫn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của UBND thành phố. Với số dân hơn 7 triệu người, Tp. HCM tiêu thụ khoảng 1.200 tấn rau/ngày, trong đó có khoảng 50% - 60% lượng rau nhập về từ các tỉnh không thể kiểm soát được dư lượng thuốc BVTV tại gốc. Nguy cơ xảy ra NĐTP vẫn cao. Trong khi đó, Tp. HCM, với tốc độ đô thị hoá, diện tích gieo trồng rau xanh hàng năm bị thu hẹp nên việc chuyển đổi các vùng đất tiềm năng sang trồng rau là cần thiết.

Vấn đề đặt ra là, RAT - mặc dù đã được thị trường chấp nhận, nhưng thương hiệu - tấm giấy thông hành của RAT vẫn chưa được khẳng định. Thương hiệu sẽ là cơ sở cho các nhà sản xuất phân phối hàng theo các kênh bán sỉ và lẻ ở thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu

Thuý Hà
.
.
.