Tp.HCM: Hàng dởm trong siêu thị

Thứ Ba, 22/11/2005, 07:20

Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (đại diện phía Nam) đã phát hiện tại chợ Bến Thành, nơi chỉ “kinh doanh hàng có chất lượng cao” như lời các tiểu thương, 22 điểm trưng bày và bán hàng giả nhãn hiệu Nike.

Trong một đợt kiểm tra tại Trung tâm Thương mại Plaza (số 230 Nguyễn Trãi, quận 1), lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) 1B phát hiện điểm kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu AOWA (gồm máy lọc nước nóng lạnh, máy massage, máy xông hơi và nhiều loại sản phẩm gia dụng khác) đã vi phạm chế độ ghi nhãn hàng hoá, vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng và vi phạm về giá hàng hoá, dịch vụ thương mại trong thời gian khuyến mại.

Điều đáng nói hơn là việc kinh doanh sản phẩm AOWA này đã có nhiều sai phạm, rộ lên từ giữa năm 2003 đến cuối năm 2004, đã từng bị Chi cục QLTT Tp. Hồ Chí Minh tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá hơn 1 tỷ đồng. Để đánh lừa người tiêu dùng, công ty kinh doanh sản phẩm này cũng đã đổi tên liên tục và nơi trưng bày, kinh doanh sản phẩm AOWA được ngụy trang ở những nơi cao cấp như: Trung tâm Thương mại Plaza, Thuận Kiều Plaza

Ngày 8/11, lực lượng QLTT 3A phối hợp với Ban quản lý Trung tâm Thương mại Lucky Plaza (quận 1) kiểm tra và phát hiện tại đây có nhiều điểm kinh doanh quần áo, nón, vớ, giày dép thể thao, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hoá như: Shop Việt Thành do bà Trần Thị Hường làm chủ kinh doanh, shop H&P do bà Phạm Thị Loan làm chủ kinh doanh vi phạm nhãn hiệu "Nike có kèm hình lưỡi liềm". Shop của ông Trần Hồ Hải, shop Song Nguyễn của ông Nguyễn Tường Trung kinh doanh hàng có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Adidas…

Trong các loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, một số có "made in" Thái Lan, Việt Nam, Singapore, nhưng cũng có sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ đã bị QLTT thu giữ để tiếp tục làm rõ và xử lý.

Chợ Bến Thành (quận 1), là một trong những điểm mua sắm lớn tại Tp. Hồ Chí Minh, khách hàng chủ yếu là người nước ngoài và khách du lịch. Giá cả tại đây thuộc hàng đắt nhất ở các chợ trong TP (vì theo lời giới thiệu của tiểu thương thì tại đây chỉ kinh doanh hàng có chất lượng cao), tất cả các mặt hàng đều niêm yết giá công khai nên khách hàng rất yên tâm mua sắm.

Thế nhưng, qua đợt kiểm tra vào cuối tháng 9/2005, Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (đại diện phía Nam) đã phát hiện tại chợ Bến Thành 22 điểm trưng bày và bán hàng giả nhãn hiệu Nike. Công ty Nike cũng đã tiến hành điều tra để làm rõ nguồn gốc các loại sản phẩm giả trên để bảo vệ thương hiệu của mình.

Còn rất nhiều vụ vi phạm liên quan đến chất lượng, trọng lượng, giá cả… hàng hóa bày bán trong siêu thị, trung tâm thương mại đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện. Chẳng hạn như rượu ngoại dán tem giả hoặc không dán tem nhập khẩu, đồ hộp cân thiếu trọng lượng so với trọng lượng công bố, ghi nhãn hàng hóa ở một số loại bột nêm không rõ ràng khiến người tiêu dùng chẳng biết đó là chất gì…

Tuy nhiên, những vụ vi phạm hầu hết là do lực lượng kiểm tra phát hiện. Chỉ những vụ việc lừa đảo quá trắng trợn thì người tiêu dùng mới lên tiếng khiếu nại như mua hàng được khuyến mại sản phẩm có giá trị cao nhưng chỉ nhận được quà là…cục xà phòng hoặc giá bán không đúng với giá trị thật của hàng hoá (như sản phẩm AOWA)…

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng rất thích mua sắm ở những địa chỉ này, vì nhiều lý do: Nguồn hàng phong phú, đa dạng, chất lượng vệ sinh, an toàn và đây là "thị trường" cạnh tranh của các đơn vị kinh doanh. Hơn nữa, hàng ngàn chủng loại hàng hoá khi đưa vào kinh doanh trong hệ thống này đều được các đơn vị quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ bằng hệ thống máy móc hiện đại… đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm. Đánh vào tâm lý này, một số nhà phân phối hàng hoá cho hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã trộn hàng dởm, hàng giả lẫn với hàng thật để lừa người tiêu dùng

Thúy Hà
.
.
.