Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800 ngàn tỷ đồng

Thứ Ba, 11/07/2017, 17:28

Là ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn chú trọng tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng hướng dòng vốn tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Với kinh nghiệm gần 30 năm giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank luôn tích cực đồng hành cùng ngành ngân hàng triển khai chính sách tín dụng, tiếp tục hướng dòng vốn vay đến các lĩnh vực ưu tiên cần khuyến khích theo các Nghị quyết của Chính phủ, góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững nền kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tính đến 31-5-2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800 ngàn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng.

Agribank tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình trọng điểm của Chính phủ, Ngân hành Nhà nước như cho vay phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 và 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Chính phủ; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và thông tư 14/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; cho vay gia súc, gia cầm theo văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012 v.v..

Nhiều cơ sở sản xuất tháo gỡ được khó khăn nhờ những chính sách ưu đãi của Agribank

Cùng với đó, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, phát triển bền vững. Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100 ngàntỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ngày 1-11-2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50 ngàn tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng trong đó có rất nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank, dư nợ đến nay đạt khoảng 16 ngàn tỷ đồng, như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam)…Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Agribank khi vừa đảm trách nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại Nhà nước, vừa hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Agribank là ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng lớn nhất bao phủ khắp mọi vùng miền, huyện đảo, tuy nhiên để duy trì vận hành mạng lưới lớn đồng nghĩa với duy trì chi phí cao. Bên cạnh đó, Agribank đã làm tốt công tác huy động nguồn vốn ở các thành phố lớn với lãi suất cạnh tranh, điều tiết và chuyển tải vốn về khu vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn để cho vay với lãi suất thấp nhằm đưa nguồn vốn tín dụng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã phát huy tốt hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, làm khởi sắc diện mạo khu vực nông thôn.

Cũng theo đại diện Agribank, thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.

Trung Kiên
.
.
.