Tổng Công ty Đường sắt tiếp tục ở lại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Thứ Tư, 15/04/2020, 06:55
Liên quan đến đề nghị điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) về lại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Vừa qua, một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ đề nghị chuyển Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) trở lại Bộ GTVT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và vận hành chung của VNR. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Theo đó CMSC sẽ tiếp tục thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại VNR.

Đại diện CMSC cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, cần xác định rõ loại hình, vai trò, quy mô, định hướng khai thác và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật... để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác và kết nối đường sắt với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Cần có giải pháp để phát triển hệ thống nhà ga, công trình thương mại dịch vụ giúp đường sắt phát huy được thế mạnh và tiềm năng sẵn có.

Trước quan điểm của CMSC, Bộ GTVTđã có báo cáo đề nghị Thủ tướng chỉ đạo CMSC cần sớm rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu VNR, trong đó cần sắp xếp và sửa đổi lại một số văn bản pháp luật cho phù hợp với việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh như: Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nghị định liên quan về bảo trì, khai thác cũng như sớm nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.

Trong tháng 4, một số vướng mắc trong việc giao vốn cho VNR sẽ được giải quyết.

Theo Bộ GTVT, việc chuyển giao VNR về lại Bộ GTVT tại thời điểm này có ưu điểm là cơ bản không phải điều chỉnh hệ thống hoạt động đường sắt, tận dụng hệ thống cơ cấu bộ máy hiện hữu quản lý, điều hành của VNR đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Việc VNR là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT sẽ đem lại sự thuận lợi trong chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, đầu tư và hoạt động đường sắt đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Nhưng trên thực tế, VNR hiện không đơn thuần chỉ kinh doanh thuần túy mà còn tham gia hoạt động quản lý tài sản nhà nước nên việc VNR về lại Bộ GTVT sẽ đồng nghĩa với việc không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, đồng thời cũng phải thực hiện rà soát điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để triển khai thực hiện giao vốn nhà nước trong bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện.

Là người trong cuộc, ôngTrần Thiện Cảnh-Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ: Năm 2020, Bộ GTVT vẫn tiếp tục giao dự toán cho VNR, dự kiến sẽ tháo gỡ trong tháng 4-2020. Ông Cảnh cho biết, hiện người lao động của VNR được chia ra làm 2 nhóm, một là hưởng lương theo ngân sách gồm: Bảo trì, xây lắp và quản lý bảo trì kết cấu đường sắt. Hàng năm ngân sách Nhà nước phân bổ về và được VNR đặt hàng cho các đơn vị nhóm này thu nhập ổn định trung bình 7 triệu đồng/người/tháng (khoảng 11.000 lao động).

Nhóm thứ 2 là khối vận tải, mảng này thu nhập rất thấp, khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, đời sống người lao động rất khó khăn vì chỉ còn 1 đôi tàu khách, chủ yếu là chạy tàu hàng tăng khoảng 10%, hiện có khoảng gần 3.000 lao động và nhiều người đã phải dừng việc.

“Để giải quyết khó khăn trước mắt thì nhóm hưởng lương ngân sách đã có chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ giao dự toán cho VNR và Bộ GTVT đang tập trung giải quyết các vướng mắc..., việc làm và đời sống người lao động sẽ được đảm bảo. Còn nhóm vận tải phải chờ qua dịch COVID-19, hiện VNR đang triển khai các giải pháp như miễn giảm tiền thuê hạ tầng 8% (thuế đất), các khoản bảo hiểm để tập trung cho sản xuất và đời sống của người lao động”, ông Cảnh cho biết thêm.

Đặng Nhật
.
.
.