Quá nhiều khâu trung gian, thịt lợn từ chuồng đến người tiêu dùng tăng 43%

Thứ Tư, 06/05/2020, 15:22
Trong khi thịt lợn từ chuồng đến tay người tiêu dùng qua 2-5 khâu trung gian khiến giá thịt lợn cao và khó giảm, giá các sản phẩm khác như gà, tôm, cá trứng đều rẻ và nguồn cung dồi dào, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa từ bỏ thói quen thích ăn thịt lợn.


Quá nhiều khâu trung gian

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 6/5, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, do dịch bệnh, dẫn đến nguồn cung lợn giảm mạnh, làm giá tăng. Báo cáo của các địa phương cho thấy, đến hết tháng 2 năm nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi. 

Trong thời gian qua, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, dù các doanh nghiệp này cam kết đưa giá lợn hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Điều đáng nói, 65% thị phần còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá. Vì vậy, các biện pháp bình ổn trong thời gian qua chưa đủ sức để kéo giá lợn xuống 70.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên càng thiếu nguồn cung, làm tăng giá thịt lợn.

Trong “rổ” thực phẩm, thói quen của người dân vẫn ưu tiên thịt lợn.

Liên quan đến giá thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, từ tháng 1 đến tháng 3/2019, giá lợn duy trì ở mức từ 45.000-47.000 đồng/kg lợn hơi. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 7/2019, giá lợn giảm xuống 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm làm mất cân đối cung - cầu, làm cho giá lợn tăng, tháng 8 đến tháng 12/2019 giá lợn hơi tăng 42.000-90.000 đồng/kg. 

Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, giá giảm từ 90.000 đồng xuống 73.000 đồng/kg lợn hơi tại cửa chuồng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu tiếp mốc thời điểm từ 1/4/2020, các doanh nghiệp lớn giảm giá xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi. Nhưng, từ giữa tháng 4/2020, giá lợn lại có xu hướng tăng đến 70.000-80.000 đồng/kg lợn hơi. Những ngày gần đây, giá thịt lợn hơi ổn định ở mức cao trên dưới 80.000 đồng/kg.

Lý giải giá thịt lợn vẫn tăng do nhiều nguyên nhân, ông Tiến nhận định là do cung cầu thịt lợn mất cân đối, do dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh. "Một số doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất heo thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá heo thịt", ông Tiến nói. 

Ngoài việc thịt lợn phải đi qua nhiều khâu trung gian, đến tay người tiêu dùng tăng khoảng 43%, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng… Đồng thời, giá thịt heo của Trung Quốc tăng quá cao nên vẫn có hiện tượng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Cần thay đổi thói quen tiêu dùng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh,  nếu không thúc đẩy nhanh việc tái đàn heo một cách bền vững thì nguy cơ mất ngành hàng này ngày một gấp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết một trong những thách thức nhất đối với loài người hiện nay là an ninh lương thực nhưng vấn đề này không chỉ là lúa gạo mà bao gồm cả thực phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, Việt Nam những năm 1980, 1990 người dân rất đói. Những người công nhân mỏ, quân đội chỉ được cung cấp 24 kg gạo/người, ăn một bữa sáu bát cơm nên phải tính toán cân đối lúa gạo với lương thực để phù hợp dinh dưỡng, phù hợp chất lượng cuộc sống.  

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:"Thay đổi thói quen ăn nhiều thịt lợn không thể một sớm, một chiều".

"Những năm gần đây đã có khẩu hiệu đưa chăn nuôi lên làm ngành chính. Bởi vì không chỉ bao hàm nghĩa về kinh tế, mà như vậy mới phù hợp với tiêu thụ của một đất nước đang vận động phát triển như Việt Nam", ông Cường nói.

Bộ trưởng bộ NN&PTNT cũng phân tích: “Trong rổ thực phẩm hiện nay, có đến 65%-70% là thịt lợn, dẫn đến thói quen tiêu dùng thịt lợn. Vừa qua, vào đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm, dù đã quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó từ rất sớm, nhưng sau bốn tháng đã lan ra toàn quốc. Đỉnh điểm rơi vào tháng 5/2019 đến mức hầu như tất cả các xã đều bị với 1.270.000 con phải tiêu hủy”.

Sau khi qua đỉnh dịch, hầu như 99% số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch, các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn. Kết quả bốn tháng đầu năm 2020 việc tái đàn, tăng đàn đã đáp ứng 80%. Tuy nhiên, tổng lượng vẫn đang thiếu, trong khi đó việc thay đổi thói quen ăn thịt lợn không phải một sớm một chiều.  

"Có nhiều hộ bảo tại sao thực phẩm nhiều như thế lại cứ phải ăn thịt lợn, nhưng để thay đổi thói quen ăn thịt heo không phải một sớm một chiều. Gà với gia cầm 500 triệu con, chưa bao giờ nhiều như thế. Rồi tôm ngon, cá ngon, trứng ngon... nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen. Do đó, hiện giờ quy luật cung cầu phải thúc đẩy nhanh",  Bộ trưởng Cường yêu cầu. 

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tái đàn nhanh phải đi kèm với an toàn. Bởi nếu không đảm bảo an toàn sinh học sẽ xảy ra rủi ro kép. "Nếu không thúc đẩy nhanh bền vững thì nguy cơ mất ngành hàng ngày một gấp", tư lệnh ngành nông nghiệp khuyến cáo. 

Ngọc Yến
.
.
.