Tội phạm tài chính, chứng khoán phức tạp vì suy giảm kinh tế

Thứ Tư, 31/12/2008, 10:48
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV nhận định, năm 2009, diễn biến này tiếp tục phức tạp, tình trạng trốn thuế, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan hoạt động ngân hàng, tín dụng, tiền tệ rất khó lường, nhất là trong trường hợp tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế tác động mạnh tới nước ta.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV thừa nhận tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009 của Tổng cục Cảnh sát (ngày 30/12): Do tác động của khủng hoảng tài chính, tiền tệ, tình hình lạm phát dẫn tới các tổ chức tín dụng cho vay không thu hồi được nợ, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc có nguy cơ phá sản cao. Tình hình này kéo theo các hệ luỵ, làm nẩy sinh tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, tín dụng.

Vi phạm trong hoạt động chứng khoán gia tăng như hành vi tự tăng vốn không báo cáo cơ quan có thẩm quyền, sử dụng vốn Nhà nước để chơi chứng khoán, khi lãi thì bỏ túi nhưng khi lỗ Nhà nước phải gánh, có trường hợp đổ bể tài sản lớn, đối tượng đã bỏ trốn, số tiền thất thoát không thu hồi được. Năm 2008, có 779 trường hợp vi phạm trong thị trường chứng khoán, bị xử lý các hình thức. C15 đã tổ chức 14 cuộc hội thảo bàn biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh, phát hiện, điều tra 59 vụ việc nổi cộm...

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực cũng nhận định, năm 2009, diễn biến này tiếp tục phức tạp, tình trạng trốn thuế, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm liên quan hoạt động ngân hàng, tín dụng, tiền tệ rất khó lường, nhất là trong trường hợp tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế tác động mạnh tới nước ta.

Trong trường hợp bị thua lỗ nặng, không loại trừ trường hợp nhà đầu tư sẽ bỏ trốn kèm theo khoản tiền thất thoát lớn. Các cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng, tỉnh táo với loại tội phạm này trong năm tới. Đối với tội phạm tham nhũng, năm 2008 phát hiện 450 vụ, thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra khoảng 882 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc điều tra nhiều vụ tham nhũng lớn vẫn có dấu hiệu kéo dài, một số vụ chưa thống nhất về mặt pháp lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Số vụ phạm pháp về ma tuý tăng, các lực lượng đã bắt giữ 12.850 vụ với 20.268 đối tượng...

Năm 2008 xảy ra 53.573 vụ phạm pháp hình sự, một số loại án tăng như cướp, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật, chống người thi hành công vụ... Tội phạm có nguyên nhân xã hội xảy ra nghiêm trọng, có 89,7% các vụ giết người do mâu thuẫn, ghen tuông, thù tức cá nhân. Trong số 30.623 đối tượng phạm tội cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên phạm pháp chiếm 7,4%. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 14,8% so năm 2007.

Đại tá Nguyễn Xuân Bích, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH cảnh báo: 85% đối tượng cướp giật có liên quan đến ma tuý. Trong số đối tượng cướp, cướp giật, đáng chú ý đã có sự xuất hiện nhiều hơn công dân nước ngoài (vào Việt Nam với các hình thức du lịch, tham quan, lao động...), các thủ đoạn phạm pháp cũng đa dạng.

Phân tích việc giải quyết các vụ án lớn gần đây, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý: Không phải chỉ những vụ án nghiêm trọng, phức tạp mới tập trung lực lượng điều tra. Chất lượng điều tra, khám phá án cấp cơ sở (nhất là khi tất cả CQĐT Công an cấp huyện đều được mở rộng thẩm quyền điều tra các loại án có khung hình phạt đến 15 năm tù) phải khẩn trương hoàn thiện. Hiện nhiều CQĐT cấp huyện thiếu điều tra viên, trình độ điều tra viên còn hạn chế.

Trên thực tế, hoạt động của CQĐT tập trung vào các lĩnh vực chuyên ngành gồm: điều tra tội phạm về TTXH, kinh tế và chức vụ, tham nhũng, ma tuý. Hoạt động điều tra tại các đơn vị này nhiều nơi "quá tải", trong khi đó Văn phòng cơ quan CSĐT lại ít việc.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, cần thiết phải nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp, phân công nhiệm vụ để đảm bảo cân đối phần việc giữa các đơn vị trong cơ quan CSĐT các cấp, tăng lượng việc cho Văn phòng cơ quan CSĐT

Đ. Trường
.
.
.