Tọa đàm hợp tác kinh tế Việt - Lào

Chủ Nhật, 02/11/2014, 16:46
Ngày 2/11, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Tọa đàm hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên - Nam Trung Bộ Việt Nam với các tỉnh Trung - Nam Lào lần thứ 2 đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Sổm sa vạt Leng sa vát cùng sự tham dự của hơn 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư hai nước.

Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tính đến nay Lào đã cấp 413 dự án cho các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào (sau Trung Quốc), tập trung vào các lĩnh vực như  năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông - lâm nghiệp và khai khoáng… các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, đóng góp 1,3% tổng GDP Lào với giá trị tương đương 150 triệu USD.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch AVIL - phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, thương mại của các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, trong đó đáng lưu ý là các thủ tục đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn phức tạp, thời gian xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước Lào như cấp phép, cấp đất, giải phóng mặt bằng còn chậm, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực tại địa phương, Chính phủ Lào chưa có quy định rõ ràng về chính sách tạm nhập tái xuất thiết bị thi công dự án…

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, truyền thống của hai nước và tiềm năng rất lớn của nước bạn trên nhiều lĩnh vực như khoáng sản, thủy điện phát triển trồng cây công nghiệp và du lịch… và đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian tới Việt Nam sẽ cùng với Lào và Campuchia sẽ nghiên cứu xây dựng thể chế hợp tác kinh tế đặc biệt giữa 3 nước để tương hỗ lẫn nhau, tạo khung hợp tác chiến lược toàn diện khu vực Đông Dương và sớm thống nhất ký kết Hiệp định thương mại song phương mới giữa Việt Nam và Lào ngay trong năm 2014.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong vấn đề lao động, thống nhất thủ tục cấp phép, có cơ chế thông thoáng, nhanh gọn trong thủ tục Hải quan, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trao đổi thương mại, hàng hóa…

Bảo Thanh
.
.
.