Xã hội hóa sân bay, cảng biển:

Tín hiệu tích cực thúc đẩy cạnh tranh và phát triển

Thứ Hai, 08/06/2015, 13:07
Đây là nhận định của TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo về xã hội hóa cung cấp dịch vụ cảng hàng không, cảng biển, năng lượng, kinh nghiệm của quốc tế và bài học cho Việt Nam, do CIEM tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Tại hội thảo, TS Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban Năng suất của Australia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tư nhân hóa sân bay, cảng biển của nước này.

TS Warren Mundy cho biết: Hiện nay, 23 sân bay ở Australia đã nhượng quyền cho tư nhân, việc nhượng quyền này bắt đầu từ năm 1997. Theo đó, Nhà nước giao quyền vận hành sân bay cho 1 doanh nghiệp (DN) tư nhân trong giai đoạn dài với thời gian 49 năm và thanh toán một lần.

"Ngoài kiểm soát không lưu và cứu hỏa do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chịu trách nhiệm, nhà đầu tư tư nhân phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển trong tương lai như xây đường băng, nhà ga mới... mà không có ngân sách của Chính phủ hỗ trợ. Sau thời hạn kết thúc hợp đồng nhượng quyền, nhà đầu tư không được trả lại chi phí đã bỏ ra" - TS Warren Mundy cho biết.

Theo ông Warren Mundy, việc bán lại các sân bay được tiến hành thông qua đấu giá thương mại. Sự nhất quán và minh bạch trong các đợt bán sân bay này được Cơ quan Kiểm toán quốc gia Australia theo dõi và đánh giá.

Để kiểm soát được việc lạm dụng và có các hành vi phản cạnh tranh có thể xảy ra với các DN vận hành những sân bay lớn này, TS. Warren Mundy chia sẻ: Hiện nay, Australia có quy định nhà đầu tư không đồng sở hữu 2 sân bay cùng lúc, DN nào vận hành sân bay Sydney thì không được sở hữu sân bay Melbourne. Việc quản lý về kinh tế được cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia thực hiện.

Theo đó, giá cả về hàng không được quy định bằng cách Nhà nước áp giá trần. Thời gian qua, ở Việt Nam vấn đề về mua lại hay nhận quyền khai thác sân bay và nhà ga, cảng biển đã nhận được sự quan tâm của xã hội và nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể,  Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines liên tục có đề nghị mua lại hay nhận quyền khai thác sân bay và nhà ga ở Nội Bài, Phú Quốc và Đà Nẵng. Ngoài ra, các công ty  tư nhân trong và ngoài nước như Vingroup hay T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) cũng đã chính thức có văn bản đề nghị mua lại một số sân bay và cảng biển.

Trao đổi với PV Báo CAND và báo giới trước xu hướng này, TS Nguyễn Tú Anh cho rằng: Xu hướng này là tín hiệu tốt. Nhưng xu hướng này có vẻ đang đi nhanh hơn cơ chế quản lý của Nhà nước. Việc các nhà đầu tư tham gia vào dịch vụ sân bay, cảng biển đang đặt ra vấn đề quản lý như thế nào. Bởi lẽ, khi sân bay, cảng biển... nằm trong tay tư nhân thì có thể họ sẽ đặt ra mức giá dịch vụ rất cao và toàn bộ chi phí lại đổ lên đầu người dân.

Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng: Việc Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ ở lĩnh vực này là hiển nhiên. Bởi lẽ, bản chất của các cảng hàng không, sân bay, cảng biển là có vị thế độc quyền tự nhiên. Chẳng hạn, ở khu vực đó chỉ có đúng 1 cảng biển, không thể xây dựng 2 cảng được vì rất lãng phí. Khi đã là độc quyền tự nhiên thì Nhà nước phải kiểm soát giá.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: Nhà nước không nên can thiệp nhiều quá về giá cả các hàng hóa dịch vụ ở sân bay, cảng biển... Nhà nước chỉ nên thiết lập khung khổ chung để các hãng hàng không và sân bay có thể thỏa thuận về mặt giá cả, không nên quy định quá cứng nhắc.

Lưu Hiệp
.
.
.