Tín hiệu lạc quan của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 04/03/2016, 09:43
Ngay từ những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, các địa phương vùng ĐBSCL đã đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Sự khởi đầu lạc quan này càng làm tăng ý nghĩa khi Năm du lịch Quốc gia 2016 cũng đã chính thức khởi động với chuỗi sự kiện cho thấy tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói tại vùng đất “chín rồng” này...

Những ngày sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, dù đoạn đường hơn 50km còn tung bụi mịt mù nhưng khách vẫn nườm nượp, “phi” một mạch bằng ôtô, xe máy về Đất Mũi - mảnh đất thiêng liêng nằm chót cùng cực Nam của Tổ quốc. Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, chỉ riêng ngày mùng Một Tết, Khu du lịch (KDL) Đất Mũi đã đón 4.900 lượt khách, tăng gấp 3 lần so với Tết Ất Mùi. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, đáng chú ý là trong số đó có hàng trăm du khách nước ngoài. KDL Khai Long gần đó dù đang trong giai đoạn đầu tư cũng đón 1.200 lượt khách.

Du khách nước ngoài thích thú với đặc sản Phú Quốc.

Nguyên nhân lượng khách đến các KDL tại Mũi Cà Mau tăng mạnh – theo giải thích từ phía chính quyền huyện Ngọc Hiển là do đường Hồ Chí Minh đoạn từ trung tâm huyện Năm Căn về Đất Mũi vừa được thông xe kỹ thuật. Nếu như trước đây từ thị trấn Năm Căn đi Đất Mũi phải mất cả giờ đồng hồ, vừa phải tốn ít nhất 2 triệu đồng chi phí thuê canô thì bây giờ đi ôtô chỉ 30 phút là tới nơi.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, khu vui chơi, các dịch vụ phục vụ du khách, biến Đất Mũi thành điểm đến hấp dẫn. Đất Mũi còn có ý nghĩa tâm linh đối với đông đảo du khách... “Dự báo năm 2016, Đất Mũi có khả năng đón từ 400.000 đến 500.000 khách du lịch, phấn đấu đến năm 2020 sẽ đón 1 triệu khách” - ông Nguyễn Trường Giang - Bí thư Huyện ủy huyện Ngọc Hiển phấn khởi cho biết.

Tại vùng đất sen hồng - Đồng Tháp, trong suốt cả tháng qua, du khách thật sự thích thú chụp ảnh với các vạt hoa Hoàng Đầu Ấn trên cánh đồng rộng đến 8ha.  Trong hành trình đến cánh đồng hoa Hoàng Đầu Ấn, khách được đi tàu tham quan cảnh sinh thái của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Được biết, hoa Hoàng Đầu Ấn được xem như “đặc sản” độc quyền của Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện nay. Hoa chỉ trổ trong thời gian khoảng 2 tháng, trùng vào thời điểm đầu xuân.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịp Tết cổ truyền vừa qua, Đồng Tháp đã đón gần 282.000 lượt khách tham quan, trong đó, có gần 1.200 lượt khách nước ngoài. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là điểm thu hút khách tham quan nhất (đón, phục vụ trên 153.000 lượt khách).

Dịp Tết năm nay, Đồng Tháp có thêm một số điểm tham quan mới thu hút khá đông du khách như: KDL  văn hóa Nam Phương Linh Từ (huyện Lấp Vò) với trên 70.000 người tham quan; 4 điểm tham quan vườn quýt hồng tại huyện Lai Vung. Nếu như Vườn Quốc gia Tràm Chim thiết đãi du khách bằng tuyến tham quan hoa Hoàng Đầu Ấn thì KDL sinh thái Gáo Giồng đưa vào khai thác dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe… bò tham quan toàn KDL và nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Được biết Đồng Tháp cũng vừa khởi động Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, chính quyền khuyến khích và hỗ trợ cụ thể đối với nhà vườn ở những khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Đây chính là cách làm du lịch độc đáo riêng có của vùng “đất sen hồng”. Năm 2015, đã có hơn 2 triệu lượt khách đến Đồng Tháp, trong đó lượng khách quốc tế - tăng trên 28% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch hơn 300 tỷ đồng.

 Trao đổi với PV Báo CAND sau lễ công bố Năm Du lịch quốc gia 2016, ông Phan Văn Hò, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phấn khởi cho biết, năm 2015, ngành du lịch ĐBSCL thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó có trên 7,7 triệu lượt khách lưu trú, tăng 15,7% so với năm 2014. Doanh thu du lịch vùng đạt 8.635 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, trong đó đứng đầu là tỉnh Kiên Giang, đạt 2.448 tỷ đồng.

Năm 2016, để tăng ấn tượng, giảm… ám ảnh, giữ được mức tăng trưởng, ngành du lịch ĐBSCL tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm giữa Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau và Bạc Liêu; chương trình liên kết hợp tác Cụm phía Đông ĐBSCL giữa Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh; chương trình liên kết hợp tác phát triển vùng ĐBSCL giữa Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang do Dự án EU - Tổng cục Du lịch hỗ trợ; triển khai thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL.

Trong số 32 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn, Bạc Liêu có nhiều nhất với 8 điểm. 3 tỉnh Long An, Trà Vinh và Hậu Giang chưa có điểm nào. 8 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL vừa được bình chọn năm 2015 là Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), KDL sinh thái Quốc tế (Cà Mau), Khu Quán âm Phật đài (Bạc Liêu), Khách sạn Bạc Liêu (Bạc Liêu), Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng (Vĩnh Long), Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long), Khu phức hợp Hòa Giang (Kiên Giang), Khu di tích văn hóa, lịch sử và du lịch Núi Sam (An Giang); 4 điểm được tái công nhận lại là Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt (Sóc Trăng), KDL Cồn Phụng (Bến Tre), KDL  Thới Sơn (Tiền Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu).

Thái Bình
.
.
.