Tín dụng chính sách thay đổi diện mạo kinh tế miền núi

Thứ Năm, 05/09/2019, 10:25
Nhờ nguồn vốn chính sách, kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Nhiều người nghèo có công ăn việc làm, thu nhập ổn định từ đó thoát nghèo và vươn tới làm giàu, con em có cơ hội được tiếp cận với tri thức…


Cứu cánh cho kinh tế miền núi

Có mặt tại Mộc Châu- Sơn La những ngày học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, chứng kiến những gương mặt háo hức, phấn khởi của những em nhỏ nơi vùng cao thu xếp sách vở, quần áo mới để đón ngày tựu trường, mới thấy hết những đổi thay về kinh tế trên vùng đất cao nguyên này. 

Những đồi chè xanh bạt ngàn, những trang trại chăn nuôi lợn hàng nghìn con núc ních thịt, những đồi cây trái sum suê không chỉ mang đến giá trị kinh tế trực tiếp mà còn gián tiếp tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách đến tham quan địa phương.

Nhờ vốn chính sách, nhiều người dân có công ăn việc làm.

Những đổi thay này, có vai trò to lớn đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách. 

“Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần giúp trên 762 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 ngàn lao động…, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức. 

Cũng theo ông Tú, tính đến hết tháng 7-2019, huy động vốn của toàn ngành Ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. 

Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Ghi nhận và đánh giá cao vai trò tín dụng chính sách đối với địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh: “Các nguồn vốn tín dụng chính sách, nhất là từ NHCSXH đã phát huy hiệu quả góp phần thiết thực cho tỉnh Sơn La thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội”.

Là một trong những ngân hàng chủ lực trong triển khai tín dụng chính sách, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, hiện ngân hàng đang triển khai, thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện; trong đó có các chương trình tín dụng dành riêng cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đến 31-7, dư nợ tại khu vực trung du miền núi phía Bắc đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486 ngàn khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại NHCSXH góp phần giúp trên 762.000 hộ thoát nghèo. 

“Cách đây 20 năm người nghèo còn mặc cảm chuyện vay, giờ mạnh dạn vay, dám vay vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế”, ông Thắng nhìn nhận.

Trong khi đó, Agribank không chỉ phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp – nông thôn, mà theo chia sẻ của ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank, các chi nhánh của Agribank cũng rất tích cực, chủ động tham gia các chương trình chính sách đặc thù tại mỗi địa phương nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương nhất là địa bàn nông nghiệp, nông thôn với dư nợ của 11 chương trình tại 5 địa phương đạt trên 800 tỷ đồng. Còn đối với dư nợ cho khu vực đạt trên 130.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ.

Hội nghị nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Đồng vốn tín dụng cũng đang phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung bày tỏ, từ khi thành lập đến nay công ty đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ đầu năm 2019 tại Việt Nam bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên rất may khi doanh nghiệp gặp khó khăn nhận được sự tạo điều kiện của các cấp các ngành, nhất là sự chia sẻ đồng hành của Agribank chi nhánh Sơn La. Do đó, đến nay công ty rất tự tin trong lĩnh vực của mình đã đầu tư đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát dịch tả châu Phi. 

Không chỉ vậy, đồng vốn tín dụng chính sách còn góp phần tích cực trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương. Đơn cử nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, số hộ nghèo cựu chiến binh trong khu vực đã giảm trên 12.000 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo cựu chiến binh xuống còn 2,86% thấp hơn bình quân chung cả nước.

Ông Phạm Bá Hiến – đại diện Hội Cựu chiến binh thông tin thêm: Số hộ cựu chiến binh có mức sống khá và giàu là 55,6%, mỗi năm hội cựu chiến binh xóa được hàng nghìn nhà dột nát cho hộ cựu chiến binh nghèo. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc rất hiệu quả, những phong trào cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, mô hình góp vốn xoay vòng, mô hình 5+1, 3+1 (5 hộ khá giúp một hộ nghèo vươn lên). 

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Có một thực tế là hiện nay, việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng tại các tỉnh trung du miền núi phái Bắc đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ NHTM cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro do chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả... 

Để các chương trình tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa. Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị cần phát triển kênh tín dụng thông qua các tổ chức tài chính vi mô để hỗ trợ việc tiếp cận tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. 

Còn đại diện QTDND Thị trấn nông trường Mộc Châu - tỉnh Sơn La kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ cấp quyền sử dụng đất cho nhân dân hơn nữa; kiến nghị giảm thu lệ phí xuống còn 50% so với hiện hành. 

Đại diện Hội Cựu chiến binh thì đề nghị với Chính phủ và NHNN rà soát lại toàn bộ các chương trình tín dụng chính sách, hạn chế các chính sách cho không; bởi có một thực tế, có một số địa phương không muốn thoát nghèo, vì nếu thoát nghèo là không còn được hỗ trợ chính sách của Nhà nước nữa.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng ưu tiên cho vùng này. 

Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Ngoài ra, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng cho đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa. 

Ngành Ngân hàng cũng chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, về những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế…

Hà An
.
.
.