Chủ sử dụng lao động hỗ trợ lao động từ Libya trở về:

Tìm thị trường khác cho người lao động

Thứ Năm, 07/04/2011, 16:03
Toàn bộ lao động từ Libya đã trở về nước an toàn. Và lúc này vấn đề được cả người lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) nóng lòng chờ đợi nhất là phương án hỗ trợ sẽ được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong thời gian tới.
>>Đủ công việc cho lao động từ Libya trở về

Tuy nhiên cho đến chiều 6/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau nhiều cuộc họp bàn với các doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa chọn ra được phương án hỗ trợ tối ưu nhất, chắc chắn sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa thì Bộ LĐ-TB&XH mới ra được phương án chung.

Thanh lý hợp đồng trước cho những lao động đã gần hết hạn hợp đồng

Nhiều ngày qua, lao động ở khắp nơi như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tĩnh đã gọi điện tới tòa soạn Báo CAND để hỏi về chính sách hỗ trợ. Cuộc gọi gần đây nhất là của anh Tĩnh ở Vĩnh Phúc. Anh Tĩnh tâm sự, anh mới nhận công việc lái xe taxi, với thu nhập cũng được gần 5 triệu đồng/tháng.

Do đi XKLĐ sang Libya qua môi giới, nên chi phí để đi lên tới gần 60 triệu đồng. Ngoài số tiền 20 triệu đồng ngân hàng cho vay, còn lại anh phải vay mượn bên ngoài. Oái oăm nhất là anh Tĩnh mới sang làm việc được hơn 1 tháng, chưa nhận được đồng lương nào, nên từ ngày về lúc nào gia đình anh cũng như ngồi trên đống lửa. 

Không chỉ riêng lao động ngóng đợi. Theo các doanh nghiệp XKLĐ thì thời điểm này mới là thời điểm khó khăn nhất đối với họ. Ngày nào họ cũng phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại của lao động.

Ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty SONA, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH có hơn 2.000 lao động đi Libya, cho hay, các doanh nghiệp đưa lao động đi Libya đã cùng ngồi lại với nhau, họp và báo cáo đầy đủ tình hình, số lượng lao động, phân loại lao động theo thời gian và đề xuất một số phương án hỗ trợ cho lao động trình Bộ LĐ-TB&XH để Bộ đưa ra phương án hỗ trợ chung và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.

Trong tình huống này là lúc Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước phải phát huy tác dụng. Bởi đây có thể được xem là bảo hiểm rủi ro vì trước khi đi làm việc ở nước ngoài mỗi lao động phải đóng Quỹ: 100.000 đồng; doanh nghiệp phải đóng 1% phí, như vậy thì ngay các DN cũng phải được hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, giúp DN có thêm nguồn để hỗ trợ cho lao động.

Thông tin được nhiều lao động quan tâm không kém là việc thanh lý hợp đồng của các doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, chưa có DN nào thực hiện được việc này. Theo ông Thành thì SONA sẽ ưu tiên thực hiện thanh lý hợp đồng cho những lao động đã làm việc được gần hết hạn hợp đồng trước để họ yên tâm tìm công việc mới trong nước.

Còn các đối tượng khác thì buộc phải chờ đợi phương án chung của Bộ. Vì lúc này để DN tự giải quyết thì chỉ có cách "đóng cửa". Số lao động có thời gian làm việc dưới 1 năm của SONA là khoảng 900 người; VTC Corp là 1.000 người… Các khoản chi phí để đưa lao động về của các doanh nghiệp này lên tới hàng chục tỷ đồng. Lo ngại nữa là nhiều đối tác sử dụng lao động còn nợ 1, 2 tháng tiền lương của lao động. Và một số đã đề nghị doanh nghiệp trong nước chia sẻ thiệt hại với họ tiền vé máy bay cho lao động về nước, lấy số tiền đó trừ vào lương.

Nhiều lao động của Công ty SONA sẽ được đối tác Hàn Quốc lựa chọn đi làm ở Arab Saudi trong tháng 4.

Các đối tác tiếp tục nhận lao động từ Libya sang làm việc ở nước khác

Tìm các phương án thị trường phù hợp với lao động từ Libya về để tiếp tục  đưa lao động sang làm việc là cách giải quyết đang được các DN XKLĐ thực hiện. Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VTC Corp cho hay, đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt vấn đề hợp tác tiếp nhận lại lao động ở Libya để sang làm việc tại các công trình của họ tại Tanzania, một quốc gia ở phía Đông của châu Phi.

Hiện tại, VTC Corp cũng đã lựa chọn được gần 20 lao động, đang đào tạo nghề hàn nóng theo công nghệ mới của Hàn Quốc để đưa sang một thị trường mới mà công ty đã ký được hợp đồng với điều kiện làm việc và mức lương cao, ổn định. Còn đối tác Hàn Quốc là Tập đoàn Hyundai của Công ty SONA thì cũng mới gửi thư sang yêu cầu DN này thông báo tới toàn bộ lao động đã làm cho tập đoàn này ở Libya để chuẩn bị đi làm cho họ ở Arab Saudi. Trong tháng 4 này, tập đoàn này cũng sẽ tới Việt Nam để tuyển thêm 200 lao động nữa.

Theo lãnh đạo các DN thì mức lương mà các đối tác sử dụng lao động của họ tại Libya đều có một mặt bằng lương chung trả cho lao động ở tất cả các nước. Nên khi người lao động từ Libya về, đi làm việc tại bất kỳ nước nào vẫn được giữ nguyên mức thu nhập như khi làm việc tại Libya. Với trình độ lao động phổ thông giản đơn, mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng, sẽ là cơ hội cho các lao động nghèo ổn định cuộc sống và bù đắp thiệt hại bất khả kháng tại Libya.

Đồng thời với việc đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường có mức thu nhập tương tự như Libya và có tính ổn định cao để lao động từ Libya về tiếp cận và đi làm việc nhanh, các DN XKLĐ cũng cam kết đưa ra các chính sách hỗ trợ, hạn chế tối đa mức phí để lao động được xuất cảnh với mức phí thấp nhất.

Trong lúc các cơ quan chức năng còn cân đối và tính toán để đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu nhất cho hơn 10.000 lao động từ Libya trở về thì việc chuẩn bị công việc của DN và tinh thần tiếp nhận công việc của người lao động sẽ là những biện pháp tích cực để tránh những nôn nóng, gây bức xúc không đáng có

Thu Uyên
.
.
.