Tìm đầu ra cho loại cây tỷ đô

Thứ Bảy, 13/06/2015, 09:12
Mắc ca được mệnh danh là “cây tỷ đô” đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong năm nay, quy hoạch vùng trồng cây mắc ca sẽ được đưa ra, cùng với đó, sẽ là bài toán “đầu ra” cho loại cây đang được kỳ vọng này. Làm thế nào để tránh tình trạng cung vượt quá cầu dẫn đến tình trạng ép giá, ế thừa như hàng loạt nông sản khác?

Trong Hội thảo mới được Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức, những kinh nghiệm quốc tế về định hướng quy hoạch vùng trồng cây mắc ca, chuẩn bị sẵn thị trường... đã được chia sẻ.

Theo ông Jolyon Burrett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Australia, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới năm 2104 đạt 152.663 tấn (chưa tách vỏ). Nhiều thị trường có nhu cầu lớn về mắc ca như Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản và Brazil với 70% khối lượng nhân mắc ca trên phạm vi toàn cầu...

Tại Việt Nam, cây mắc ca được trồng khảo nghiệm từ những năm 2000 và thích hợp nhất với thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên và Tây Bắc Bộ. Đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của mắc ca, các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là loại cây sẽ thay thế được cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên, trong bối cảnh loại cây trồng hiện được coi là kinh tế chủ lực ở đây đang ngày càng già cỗi, cho năng suất thấp và không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo.

Đây là loại cây được Chính phủ đặc biệt lưu tâm. Trong Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cây mắc ca đã được nhắc đến trong điều 12: “Nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở và không quá 2 tỷ đồng”.

Tiến sỹ Đinh Văn Đề, Viện Điều tra, quy hoạch rừng (Bộ NN&PTNT) nhận định, khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam rất thuận lợi và thích hợp cho sinh trưởng của cây mắc ca. Cùng với đó, Việt Nam đã nhân giống thành công bằng phương pháp ghép hạt với tỷ lệ sống 80-85%; giâm hom đạt tỷ lệ sống 80%; giống gốc và kỹ thuật nhân giống cũng đã được chuyển giao cho một số tổ chức và cá nhân trồng cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên.

“Hiện nay, diện tích trồng cây mắc ca trên cả nước đạt trên 2.000ha. Trong đó, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có từ 500-800ha/tỉnh. Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình ước từ 50-150ha/tỉnh”, ông Đề cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, cây mắc ca vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần thận trọng như phải tiếp tục đánh giá về khả năng ra quả ổn định ở vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ trước khi cho trồng. Và nên ưu tiên phát triển trồng xen mắc ca với cà phê, chè, trồng trong vườn hộ. Nếu trồng tập trung cần được đầu tư, chăm sóc như đối với các loài cây lấy quả khác.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo nông dân chỉ sử dụng cây ghép từ các giống được công nhận, nghiêm cấm sử dụng cây từ hạt hoặc cây ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong năm nay, Quy hoạch ngành hàng mắc ca sẽ được ban hành với định hướng, bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, hạt mắc ca sẽ tập trung tiêu thụ cả ở thị trường nội địa.

Trước những ý kiến nghi ngại và lo lắng cho đầu ra của loại cây tỷ đô này, ông Tuấn khẳng định: “Thị trường đúng là vấn đề trăn trở nhiều nhất bởi có thị trường ổn định với mức giá có lợi thì mới đảm bảo cho cây mắc ca phát triển vững bền. Mắc ca sẽ hướng đến cả thị trường quốc tế và trong nước. Việt Nam sẽ tập trung hướng tới những thị trường có lượng tiêu thụ lớn, trọng điểm. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường đang tiêu thụ tới 90% lượng mắc ca trên toàn cầu. Việc Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại cũng sẽ mở thêm cơ hội tiêu thụ cho mắc ca Việt Nam trong tương lai”.

Còn tại nội địa, Việt Nam có tới hơn 90 triệu dân, thị trường rất tiềm năng nên cũng cần tập trung khai thác. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, mắc ca là loại cây cần tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản chặt chẽ. Hạt mắc ca không thể thu lượm rồi mang phơi như cà phê bởi cách làm thô sơ sẽ làm hỏng chất lượng hạt. Từ khi thu lượm hạt, trong 24 tiếng phải chế biến, ngay sau tách vỏ hạt 3 tiếng phải đưa vào sấy. Quá trình sấy mất nhiều tuần, sau đó phải bảo quản trong kho đặc biệt với nhiệt độ thích hợp không quá 16 độ C và giữ độ ẩm của hạt không quá 10%.

Tất cả các điều kiện này phải đi liền với nhau, chỉ ngắt quãng ra thì dù năng suất cao nhưng giá bán lại thấp, thậm chí nếu làm không tốt khâu chế biến, bảo quản hạt mắc ca còn không thể tiêu thụ được.

Chi Linh
.
.
.