Tiếp tục thông tin về vụ “sữa dê Danlait”: Nhiều bất thường chờ được giải đáp

Thứ Sáu, 12/04/2013, 14:59
Theo hồ sơ xin cấp phép của Công ty Mạnh Cầm, giấy chứng nhận được buôn bán rộng rãi ở nước bản địa là cho sản phẩm “baby goat milk” chứ không phải cho Danlait. Không hiểu tại sao hồ sơ xin phép một đằng, sản phẩm một nẻo, nhưng Cục An toàn thực phẩm vẫn làm thủ tục cấp phép?

Trong khi cơ quan chức năng là Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chưa có một thông báo chính thức nào về kết quả kiểm nghiệm sữa dê Danlait thì mới đây, chính đại diện Công ty Mạnh Cầm, thông qua một công ty PR, đã gửi kết quả đến các cơ quan truyền thông. Theo như kết quả này, các chỉ tiêu trên sản phẩm Danalait không có khác biệt lớn với những gì Mạnh Cầm công bố. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi khác cần được làm rõ.

Theo “Kết quả kiểm nghiệm Sữa dành cho trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait cho trẻ em từ 0 -12 tháng tuổi” của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia, hàm lượng protein của sữa Danlait 1 (cho trẻ 0-12 tháng tuổi) là 13,4%, sữa Danlait 2 là 17,4% và của Danlait 3 là 18%. Theo một thông cáo báo chí được đưa ra bởi Mạnh Cầm: chất lượng sữa dê Danlait đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đăng ký trên nhãn mác. Bỏ qua chuyện mẫu kiểm nghiệm này đã được Viện Kiểm nghiệm An toàn VSTP Quốc gia lưu ý “các kết quả thử nghiệm ghi trên mẫu này chỉ có giá trị với mẫu thí nghiệm”; thậm chí nếu như thành phần của sữa đúng như Mạnh Cầm công bố thì vẫn còn nhiều điều cần phải nói về sữa dê Danlait. Đáng chú ý hơn cả, tất cả những vấn đề này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật giữa hai bên và những sơ hở của việc cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm “sữa dê Danlait” này.

Như Báo CAND đã đề cập trong các bài viết trước, hiện Luật của Liên minh châu Âu (Directive 2006/141/EC) chưa cho phép sản xuất và buôn bán các sản phẩm sữa công thức có nguồn gốc từ sữa dê cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Ngay tại Pháp – “quê hương” của Danlait, Tổ chức quốc gia về an toàn sức khỏe trong các lĩnh vực Thực phẩm, Môi trường và Lao động - ANSES (Agence Nationale de Sécurité sanitaire de lalimentation, de lenvironnement et du travail) cũng có khuyến cáo không dùng sữa dê như một thực phẩm thay thế hoàn toàn hoặc một phần sữa mẹ và sữa công thức với trẻ dưới 12 tháng tuổi. ANSES cũng cảnh báo rằng việc sử dụng sữa dê trong nhiều tuần liền hay nhiều tháng liền, hoặc chỉ dùng sữa dê trên trẻ dưới 12 tháng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Đây là một khuyến cáo vừa mới được ANSES đưa ra vào ngày 5/4/2013.

Những sản phẩm sữa dành cho trẻ em luôn được các bậc phụ huynh quan tâm. (Ảnh minh họa).

Bản thân quy định tại Directive 2006/141/EC cũng đã được Pháp chuyển hóa vào nội luật bằng Nghị định ban hành ngày 11/4/2008. Phụ lục của Nghị định này nêu rõ, nguồn đạm (protein) được dùng trong sữa công thức cho trẻ sơ sinh chưa ăn dặm (0-6 tháng) chỉ có từ sữa bò, đạm thủy phân và  từ đậu nành. Tương tự, đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh đã ăn dặm (trên 6 tháng), cũng tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn đạm từ sữa dê không được phép sản xuất sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng.

Như vậy, vì sao sản phẩm Danlait 1 lại có thể chễm chệ có mặt trên thị trường Việt Nam, có giấy chứng nhận “được buôn bán rộng rãi tại nước bản địa” để được cấp phép nhập khẩu? Về lý mà nói, không thể có chứng nhận được buôn bán rộng rãi khi mà chính Pháp không cho phép bán các loại sản phẩm này. Câu trả lời chính là ở chỗ, theo hồ sơ xin cấp phép của Mạnh Cầm, giấy chứng nhận được buôn bán rộng rãi ở nước bản địa là cho sản phẩm “baby goat milk” chứ không phải cho Danlait. Không hiểu tại sao hồ sơ xin phép một đằng, sản phẩm một nẻo, nhưng Cục An toàn thực phẩm vẫn làm thủ tục cấp phép?

Trước đó, vào đầu tháng 4, kết luận về những vi phạm của Công ty Mạnh Cầm, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã nêu ra 3 sai phạm: Thứ nhất về giấy chứng nhận hàng hóa. Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép cho sản phẩm “thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ” , tuy nhiên trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm các hộp sữa lưu thông trên thị trường, công ty này không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” mà lại ghi mỗi từ “sữa dê”. Thứ hai, nhãn gốc của hàng hóa này là “sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”, trong khi đó, Mạnh Cầm chỉ ghi là “sữa dê Danlait”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thứ 3, Nghị định số 21/NĐ-CP (năm 2006) của Chính phủ quy định về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ yêu cầu các nhãn hàng phải ghi dòng ghi chú: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ”, tuy nhiên Mạnh Cầm đã lờ chi tiết này đi.

Chiểu theo cảnh báo của ANSES - “việc sử dụng sữa dê trong nhiều tuần liền hay nhiều tháng liền, hoặc chỉ dùng sữa dê trên trẻ dưới 12 tháng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng”, Mạnh Cầm sẽ trả lời sao với người tiêu dùng đã vì thông tin lập lờ trên nhãn của họ mà dùng sữa dê Danlait cho con như một sản phẩm sữa công thức?

Vũ Hân
.
.
.