Tiếp tục loại bỏ ngành nghề không phù hợp, cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ Sáu, 12/06/2015, 08:10
Với những thông điệp mạnh mẽ đầy quyết tâm đẩy nhanh thực thi và hiện thực hóa các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế được các cấp lãnh đạo cao nhất Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ năm nay đã làm nức lòng giới DN trong và ngoài nước. Dù còn chờ đợi những kết quả hiện thực, song cộng đồng DN đã được củng cố thêm niềm tin vững chắc vào những cam kết của Chính phủ về một môi trường kinh doanh thực sự hoàn thiện đã được kỳ vọng từ bấy lâu nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào làm được công việc khó khăn như Việt Nam đã và đang làm hiện nay là thống kê, rà soát lại từ xưa tới nay có bao nhiêu quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi.

“Đây là một công việc cực kỳ khó khăn. Với quyết tâm cải thiện và minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã quyết tâm giao Bộ KH&ĐT làm việc này. Theo kết quả hệ thống lại, trước đây Việt Nam có 51 ngành nghề cấm kinh doanh, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất loại bỏ chỉ còn 6 ngành nghề cấm kinh doanh theo thông lệ chung quốc tế.

Ngoài ra trước đây có tới 386 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì hiện nay Chính phủ giao Bộ KHĐT phối hợp với các bộ rà soát bỏ bớt chỉ còn lại 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Không dừng lại ở đó, đối với các điều kiện kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ hàng năm tự rà soát lại theo hướng minh bạch rõ ràng, thuận lợi, không phù hợp thì loại bỏ. Đây là cố gắng rất lớn trong vòng mấy tháng gần đây”, Bộ trưởng Vinh cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Vinh, các DN nước ngoài cho rằng, danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là nhiều, nhưng đây không phải là quy định mới, mà là công khai những quy định hiện hữu, Chính phủ vẫn đang tiếp tục rà soát để loại bỏ những ngành nghề, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Trong số này chỉ có khoảng 100 ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện áp dụng cho các doanh nghiệp FDI, còn lại là áp dụng chung cho cả DN trong và ngoài nước. Đây là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và công bằng.

Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, hiện vẫn còn vấn đề tồn tại là một số bộ, ngành đưa ra ngành nghề điều kiện kinh doanh, song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các bộ này nhanh chóng hoàn thiện các hướng dẫn cụ thể về điều kiện, đồng thời phải đăng công khai trên cổng thông tin quốc gia để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch.

Đối với các điều kiện kinh doanh và văn bản ban hành trái thẩm quyền ở các cấp dưới Chính phủ thì sẽ hết hiệu lực từ 1/7 khi Luật Đầu tư sửa đổi chính thức áp dụng. Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, tinh thần kiên quyết của Chính phủ thông qua việc dứt khoát chỉ cấp Luật và Nghị định mới được phép ban hành điều kiện kinh doanh, còn các văn bản cấp thông tư, quyết định sẽ không còn hiệu lực.

Luật Đầu tư là tạo điều kiện thông thoáng và đơn giản cho DN nhưng vẫn đảm bảo quản lý của nhà nước theo đúng thông lệ quốc tế. Khi vào Việt Nam đầu tư, nhà đầu tư ít nhất phải có dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiếp đó là đăng ký kinh doanh. “Với việc rút ngắn thời gian cấp toàn bộ các giấy tờ thủ tục từ 45 ngày trước đây xuống chỉ còn tối đa 17 ngày như hiện nay thì DN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, hơn nữa tới đây thực hiện thủ tục cấp phép qua mạng sẽ còn đơn giản hơn và nhanh hơn nữa”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Với tinh thần quyết tâm mạnh mẽ thực thi các biện pháp cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định trước cộng đồng DN mục tiêu lớn của Chính phủ là kiên quyết thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Chính phủ trong việc cải cách thể chế hoàn thiện cơ chế theo định hướng thị trường.

 “Các Bộ trưởng của chúng tôi đều cam kết đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19 là cải cách thủ tục hành chính để cuối năm 2015 sẽ ngang bằng các nước ASEAN 6, tới cuối năm 2016 sẽ đạt mức ASEAN 4, thậm chí có điểm sẽ còn vượt trội hơn”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh cam kết. Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT tổng hợp kiến nghị, khuyến nghị, yêu cầu các bộ theo lĩnh vực quản lý có xử lý cụ thể.

“Vấn đề gì thuộc về bộ thì các bộ phải xử lý, vấn đề gì thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định, vấn đề gì thuộc luật thì trình Quốc hội xem xét quyết định, với mục tiêu là tạo mọi cơ hội để DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, nền kinh tế, sản phẩm Việt Nam vì lợi ích chung cho cả Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nền kinh tế trong hội nhập quốc tế”, Thủ tướng khẳng định. 

Chia sẻ trước cộng đồng DN, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược nhằm tập trung cải cách thể chế kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam phải vận hành đầy đủ theo quy luật và nguyên tắc thị trường, giá cả thị trường, tiếp cận, phân bổ, sử dụng nguồn lực thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đồng thời đảm bảo quản lý nhà nước bằng công cụ, chính sách, nguồn lực của mình đảm bảo phát triển văn hóa, an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân… hoàn thiện thể chế bảo đảm nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền dân chủ tự do của người dân. Nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phòng chống tham nhũng, từng bước đẩy lùi tiêu cực.

Lưu Hiệp
.
.
.