Tiếp bài "Cơn lốc cây cảnh vượt biên": Rủi ro khó lường

Thứ Ba, 19/07/2011, 10:55
Báo CAND có bài ""Cơn lốc" cây cảnh vượt biên" phản ánh tình trạng cây cảnh, cây bóng mát trong đó có cây sanh cảnh có giá trị lớn từ nhiều tỉnh đang ồ ạt vượt biên để lại những hệ luỵ vô cùng to lớn về môi trường, đặc biệt là nạn "chảy máu" tài nguyên rừng.

Ở một khía cạnh khác, trồng cây sanh cảnh đã rộ lên thành phong trào, thậm chí một số nơi phát triển khá "nóng" tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất nông nghiệp.

Cây sanh "lên ngôi", mừng hay lo?

Được các vị cao niên của hội sinh vật cảnh đang quây quần bên mấy chiếu tổ tôm trên đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, Nam Định) vui vẻ chỉ lối, chúng tôi đến căn phòng gạch vôi cũ kỹ phía sau đình, tìm gặp thủ từ Nguyễn Văn Rỵ (73 tuổi), một người am hiểu tường tận về làng nghề và thú chơi cây cảnh ở Vị Khê.

Theo thần phả đình làng Vị Khê, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta xuất hiện từ làng Vị Khê, cách nay hơn 700 năm. Ngày nay Vị Khê vẫn là một làng nghề cây cảnh nức tiếng cả nước.

Theo ông Lê Quang Chức, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Nam Định, từ năm 2008 đến nay, cây cảnh chủ lực của Nam Định là cây sanh. Năm 2008 doanh thu từ cây cảnh của các hộ dân khoảng 300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cây sanh. Từ năm 2009, cây sanh được phát triển rộng khắp ở Nam Định, đẩy doanh thu từ cây cảnh lên 547 tỷ đồng, năm 2010 đạt tới 1.020 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, nguồn thu từ cây cảnh ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Chưa bao giờ có loại cây hàng hóa nào hiệu quả như vậy, cứ bình quân 222 triệu đồng/ha. Tại Nam Định hiện có 4.583ha trồng cây cảnh; trong đó, vườn cây cảnh là 2.626ha, gia trại, trang trại, làng nghề sinh vật cảnh 1.786ha, doanh nghiệp sinh vật cảnh 27ha... đưa Nam Định thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về cây cảnh.

Cây sanh cảnh này được định giá tới 15 tỷ đồng.

Gần đây, cây sanh được giới chơi cây hâm mộ, ngoài những lí do dễ trồng, dễ chăm sóc, còn bắt nguồn từ khi xuất hiện thông tin một số thương lái Trung Quốc thu mua loại cây này với giá cao. Đầu năm 2000, cây vạn tuế "lên ngôi" (danh xưng trong bộ Tam Đa cũng là chữ Thọ), khiến nhiều gia đình chỉ mới tham gia kinh doanh cây cũng đã có hàng trăm cây cảnh là vạn tuế… còn giới chơi lâu năm, có vốn lớn thì vô kể.

Đến năm 2004 - 2006 là thời của cây lộc vừng (chữ Lộc), cũng là loại cây cổ thụ dễ trồng, có thể dâm ghép dễ chăm sóc, dễ tạo dáng được "thăng hạng". Nhưng, sau khi người chơi cây tận thu làm tan hoang các cánh rừng, lộc vừng lại không còn giá trị thời thượng nữa. Hệ lụy của mỗi lần "thần tượng cây sụp đổ" là rất lớn, nhưng rõ ràng nhất là nhiều người tán gia bại sản vì đầu tư vào các vườn cây thời thượng…

Và liệu có thể giữ mãi nụ cười với sanh, loài cây có tên khoa học là Ficus benjamina, thuộc họ dâu tằm mà người Trung Quốc gọi là Thùy hiệp dung, dễ sống, tuổi thọ cao, ưa khí hậu nóng ẩm, mọc ở hầu hết các vùng của châu Á?

Nguy cơ đất trồng lúa bị thu hẹp vì cây cảnh

 "Phong trào" trồng và buôn bán cây cảnh, chủ yếu là cây sanh, đang được đẩy lên một "tầm cao mới", với những cánh đồng trồng cây sanh rộng lớn, và những cuộc đầu cơ, trao đổi tại địa phương thậm chí là xuyên biên giới trị giá nhiều tỉ đồng. Nhưng hồi sau của thú chơi đang được coi là "mang ý nghĩa nhân văn cao quý, ý nghĩa lịch sử sâu sắc và tính kinh tế sôi động" này, còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách khách quan, thận trọng.

Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi nghe anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ vườn cây cảnh khá đẹp ở Điền Xá, Nam Định, khẳng định: "Người Trung Quốc không chơi cây sanh, vì họ cho rằng sanh là cây trồng chỗ thờ, có ma, không hợp chơi trong vườn nhà. Tôi đã nhiều lần đưa khách hàng là người Trung Quốc từ Móng Cái về vườn, về làng giới thiệu cây cảnh cây thế, nhưng họ lắc đầu quầy quậy với cây sanh".

Đem câu chuyện đến gặp ông Nguyễn Văn Rỵ, vị thủ từ am hiểu nghề cây cảnh ở đình làng Vị Khê, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự: "Hầu như cây cảnh của làng nghề chỉ xuất khẩu được sang Dubai theo mối quen, còn thì ít khi xuất sang Trung Quốc". 

Tìm hiểu thêm các thông tin từ Hội Sinh vật cảnh Nam Định, chúng tôi nhận thấy nhiều vấn đề cần lưu tâm khác. Chỉ riêng trong các năm 2009-2011, Hội đã bổ sung thêm hơn 75.000 cây cảnh cho các công sở, trường học, đền chùa, nhà thờ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh, chưa kể số cây cảnh đã có sẵn từ những năm trước.

Điều đó có nghĩa là nhu cầu mua cây cảnh để trang trí cho các địa điểm công cộng ấy gần như đã bão hòa. Nhưng có một thực tế là hiện nay, tại mảnh đất có đến hơn 17.000 hội viên Hội Sinh vật cảnh và đang đẩy mạnh "phong trào" trồng cây cảnh này, diện tích đất trồng cây cảnh, cây sanh (gần 5.000ha) đang có xu thế lấn chiếm đất trồng lúa.

Ở nhiều địa phương đang có biểu hiện phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế này, ngày 23/3 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị về việc "Tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ nghiêm ngặt quy hoạch đất cấy lúa nước trên địa bàn tỉnh". Đó cũng là một việc bất đắc dĩ, nhưng cần thiết.

Nhiều người đầu tư và trồng phôi cây cảnh lớn bắt đầu ngao ngán với thông tin "phía Trung Quốc ngừng nhập cây cảnh" xuất hiện trong thời gian gần đây. Do nhiều người trồng cây mới được tiếp cận với nghề, ít vốn, chưa hiểu rõ về sinh lý thực vật, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng phân tích thị trường, nên rất lo ngại trước sức ép đến từ lãi suất ngân hàng, hạn chế cho vay phi sản xuất, vốn phục vụ duy trì sản xuất kinh doanh để đầu tư cho các vườn cây.

Một số người có kinh nghiệm trong thị trường cây cảnh khẳng định: Thời điểm cuối năm nay, người trồng cây sẽ phải bán nhiều do không thể chịu đựng nổi sức ép. Và đương nhiên, giá cây sẽ hạ do thị trường bão hòa và thương lái ép giá...

Chơi cây cảnh là một thú tao nhã, và cây cảnh cũng là một mặt hàng đặc biệt, có giá trị cả về nghệ thuật lẫn kinh tế. Các nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam bằng trí tuệ và bàn tay khéo léo đã và đang tạo cho cây cảnh Việt một thương hiệu độc đáo từ sự kết hợp hài hòa nhiều trường phái như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và cả Đông Nam Á.

Nhưng những người trồng và kinh doanh cây cảnh Việt Nam nên có cái nhìn tỉnh táo để cây cảnh không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, xuất khẩu thu hút ngoại tệ, mà còn là nét văn hóa hào hoa của dân tộc giới thiệu cùng bạn bè quốc tế

Lê Quân - Phan Hoạt
.
.
.