Tiền giả, thẻ ngân hàng giả: Mỗi người dân phải tự cứu mình

Thứ Năm, 05/05/2005, 09:15
Tại Việt Nam, các đồng tiền cotton có mệnh giá cao đang bị làm giả khá tinh vi với số lượng lớn và mới đây chỉ sau hơn một năm phát hành và lưu thông loại 100.000 đồng polymer thì loại tiền này cũng đã bị làm giả.

Các loại tiền giả xuất hiện ở nhiều nơi, len lỏi tận những vùng sâu, vùng xa với những thủ đoạn tinh vi như trộn tiền giả vào tiền thật, lợi dụng thời điểm người bán hàng ít cảnh giác để mua vật có giá trị nhỏ để đổi lấy tiền thật.

Trong tháng 2 vừa qua tại Lạng Sơn, cơ quan Công an đã bắt quả tang một số đối tượng vận chuyển 10 triệu đồng tiền polymer giả, mệnh giá 50.000 đồng; Công an Vĩnh Long cũng phát hiện một vụ vận chuyển tiền giả trên địa bàn tỉnh, 5 đối tượng bị bắt cùng hơn 6 triệu đồng tiền giả có mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng.

Các hoạt động này thường diễn ra ở những khu vực có lập chợ đường biên, trong đó ở tuyến biên giới Lạng Sơn - Trung Quốc là một điểm nóng, bởi có hàng trăm đường mòn với một đội cửu vạn đông đảo nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Tội phạm tiền giả được xem là cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị xã hội và kể cả an ninh quốc phòng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã đấu tranh khá hiệu quả với loại tội phạm này nhưng trên thực tế, tình hình tội phạm tiền giả vẫn còn rất phức tạp.

Bởi bọn tội phạm chủ yếu thực hiện hành vi lừa đảo để tiêu thụ tiền giả thông qua giao dịch tiền mặt trong nhân dân, nên người sử dụng đồng tiền và mức độ thanh toán tiền mặt càng lớn thì khả năng rủi ro càng cao.

Vì vậy, nếu kênh sử dụng tiền mặt trực tiếp được kiểm soát hữu hiệu thì tiền giả chắc chắn khó lọt vào lưu thông.

Hệ thống ngân hàng cần nhanh chóng mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người dân sử dụng các dịch vụ này, khuyến khích việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng để hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong xã hội. Phổ biến các đặc điểm và cách nhận biết đồng tiền thật và tiền giả một cách thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao khả năng nhận biết tiền thật - giả.

Đối với loại thẻ ngân hàng từ năm 2003 đến nay, việc giả mạo thẻ thông qua đánh cắp dữ liệu thẻ (skimming) đã xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Từ tháng 4 - 7/2003, Chin Yew Hock (48 tuổi, quốc tịch Malaysia) đã 4 lần nhập cảnh vào Việt Nam theo đường du lịch và tại đây, Chin Yew Hock đã sử dụng nhiều thẻ tín dụng giả rút được 410 triệu đồng để thanh toán tiền mua hàng và chi xài cá nhân. Chin Yew Hock đã bị Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt 7 năm tù về tội tàng trữ lưu hành giấy tờ giả.

Ngành ngân hàng cho biết, hiện nay ở Việt Nam phổ biến 2 loại thẻ là thẻ từ và thẻ chíp. Việc lấy cắp dữ liệu trên thẻ để làm thẻ giả cũng rất đa dạng: lấy trực tiếp từ việc đọc trên bảng từ hoặc trên đường truyền bưu điện mà ngân hàng thuê… Để chống loại tội phạm này, hệ thống ngân hàng cần phối hợp với các ngân hàng thành viên rà soát rủi ro; khuyến cáo các chủ thẻ không (hoặc hạn chế) thực hiện các giao dịch có tính rủi ro cao và tại những thị trường không an toàn như giao dịch trên Internet.

Với những chủ thẻ (Visa Master) đã dùng thẻ chi tiêu tại Malaysia vừa qua đã được các ngân hàng ANZ, ACB và Vietcombank phát hành thẻ thay thế miễn phí

Minh Dũng
.
.
.