Thủy điện nhỏ thừa, nhưng vẫn phải mua điện của Trung Quốc

Thứ Tư, 06/07/2011, 17:09
Trong cảnh nỗi lo thiếu điện rồi cắt điện lúc nào cũng thường trực, thì việc ở đâu đó có điện dư thừa không biết chuyển đâu thật là điều tưởng như hoang tưởng ở Việt Nam. Vậy mà chuyện hoang đường đó lại đang diễn ra tại Lào Cai. Điện thậm chí dư thừa đến mức trong mười mấy ngày của tháng 5 vừa qua, đã có 52 lần "chạy"... ngược sang Trung Quốc, dù chúng ta đang phải bỏ ra mỗi tháng vài chục tỷ đồng mua điện của họ để cấp cho chính khu vực này.

Vì sự "thiếu đồng bộ" chỗ nọ, "chậm tiến độ" chỗ kia, hay còn vì những lý do nào khác? Nếu không có phương án giải quyết sớm, nghịch lý này sẽ còn tồn tại với mức độ ngày càng trầm trọng. Rốt cuộc người bị thiệt hại chính là Nhà nước, và đương nhiên cả người tiêu dùng…

Một tháng 52 lần điện chạy... ngược

Theo báo cáo tình hình vận hành trong tháng 5 của Công ty Điện lực Lào Cai - đơn vị thay mặt cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc điều tiết lưới điện khu vực thì thiệt hại của 52 lần điện bị phát ngược sang Trung Quốc là 42.900 kWh sản lượng. Công suất phát ngược lớn nhất lên đến 20 MW. Với mức giá 2.375 đồng/kWh, sự cố này nếu tính sơ sơ cũng khiến hàng trăm triệu đồng đổ xuống sông xuống biển. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của ngành Điện đánh giá thì đây chỉ là con số vô cùng nhỏ so với những thiệt hại thực tế phải được tính bằng nhiều chục tỷ đồng và sẽ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Nguyên nhân của hiện tượng ngược đời trên là do các nhà máy thủy điện nhỏ hiện đang vận hành trên địa bàn sản xuất được quá nhiều điện, khiến 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu dùng không hết. Trong khi đó, lưới điện khu vực này, không kết nối với lưới điện miền xuôi mà chỉ kết nối lưới với Trung Quốc, khiến công suất thừa không chuyển được về cho các tỉnh đang thiếu điện ở miền Bắc, mà chạy ngược sang bên kia biên giới.

Hiện nay, nguồn điện cấp cho 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu được lấy từ 3 nguồn: thủy điện nhỏ trong khu vực, mua của Trung Quốc và nếu vẫn thiếu thì chuyển từ Yên Bái lên. Được biết, nhu cầu phụ tải (sử dụng điện) của các tổ chức, cá nhân ở địa bàn Lào Cai hiện là 128,8 MW, trong khi công suất đặt máy của 17 nhà máy đang phát điện trên địa bàn đã là 128 MW, cộng thêm điện mua của Trung Quốc là 88 MW.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đổ ra để xây dựng nhà máy thủy điện nhưng không được phát do thiếu đường dây truyền tải.

Theo Công ty điện lực Lào Cai, cứ mỗi tháng, sản lượng điện mua của Trung Quốc là 37 triệu kWh, tiêu tốn khoảng gần 45 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng, đối tác phía Trung Quốc yêu cầu những điều khoản rất chặt chẽ, thậm chí có thể nói là ép bên mua. Họ không cho mua theo nhu cầu mà đăng ký sản lượng theo tháng. Sử dụng nhiều hơn hoặc ít hơn 5% so với hợp đồng đã ký đều sẽ bị phạt. Từ đó mới dẫn đến nghịch cảnh khi thiếu nhưng điện mua về vẫn thiếu, mà khi thừa thì phải cắt điện sản xuất được trong nước đi để dùng điện mua mà vẫn thừa. Thêm vào đó, việc bị phạt hợp đồng luôn treo lơ lửng. Được biết, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc từng đã bị phạt hàng triệu USD tiền vi phạm hợp đồng này.

Vẫn mua điện trong khi hàng chục ngàn tỷ đồng có nguy cơ "đắp chiếu"

Trở lại câu chuyện Lào Cai, với công suất lắp đặt là 128MW, nếu điều kiện thủy văn tốt, 17 nhà máy đều phát hết công suất, thì số điện mua của Trung Quốc trở nên thừa thãi. Trong thực tế, nếu lưới điện Lào Cai được nối với lưới điện quốc gia, việc này rất dễ giải quyết, điện sẽ được truyền ngược về để phân phối cho khu vực khác. Tuy nhiên, khó là ở chỗ qui hoạch đấu nối thủy điện nhỏ khu vực này đã có, nhưng do liên tục chậm tiến độ, đường dây truyền tải 220 kV đến nay vẫn chưa làm xong, khiến điện không truyền được đi, đành phải "chạy" sang bên kia biên giới. Vì liên tục xảy ra chênh lệch này, điều độ Điện lực Lào Cai đã phải yêu cầu các nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn cắt giảm công suất. Mâu thuẫn cũng từ đây mà nảy sinh.

Việc liên tục bị yêu cầu cắt giảm vào giờ cao điểm khiến các nhà máy hết sức bức xúc, bởi vào giờ đó họ mới bán được điện giá cao là 2.375 đồng/kWh. Vào các giờ khác, giá điện chỉ trên dưới 500 đồng/kWh. Với đầu tư lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng cho một nhà máy (tùy công suất), trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, không phát được điện khiến các nhà đầu tư thực sự đứng ngồi không yên.

Đơn cử nhà máy thủy điện Mường Hum của Công ty CP phát triển năng lượng Sơn Vũ. Với công suất lắp máy 32 MW, họ đã phải đầu tư 850 tỷ đồng để xây dựng, đưa vào phát điện từ cuối tháng 3 năm nay, nhưng thực tế, họ chỉ được phép phát 62% công suất, thậm chí có thời điểm, nhà máy không được phát một chút điện nào. Không riêng gì Nhà máy thuỷ điện Mường Hum, 17 nhà máy thủy điện trên địa bàn đều chịu chung cảnh ngộ trái khoáy trên.

Nhìn sơ qua cũng thấy, đây là sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn. Điện trong nước đầu tư sản xuất không được phát, trong khi vẫn phải trả tiền mua điện Trung Quốc  cùng nỗi lo nơm nớp bị đối tác phạt hợp đồng. Trong khi riêng ở Lào Cai đang thừa điện, thì tại nhiều địa phương miền Bắc lại đang chịu cảnh thiếu điện.

Đáng báo động hơn, hiện nay các nhà máy thủy điện trên địa bàn Lào Cai mới chỉ phát khoảng 80% công suất, trong khi mùa mưa sắp tới, khi nước ở các hồ của những nhà máy này được cải thiện hơn, thì chuyện điện bị đẩy ngược sang Trung Quốc sẽ còn nhiều hơn nữa. Lúc ấy, số điện này biết chuyển đi đâu? Chẳng lẽ vì không có đường dây, mà bảo thôi đừng phát điện? Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu điện, EVN luôn chực chờ đề xuất tăng giá để có vốn đầu tư sản xuất, cộng với việc phải chạy điện giá cao bằng dầu, phải mua điện nước ngoài với các điều khoản phi lý, thì mới thấy hết được sự trái khoáy và giật mình của tình trạng trên.

Từ nay đến hết năm 2011, một loạt các nhà máy khác ở Lào Cai sẽ đi vào phát điện với công suất khoảng 200 MW. Cuối 2012, công suất sẽ lên đến 500 MW và cuối 2013 là khoảng 600 MW. Theo tính toán của các chuyên gia, để đầu tư có được 600 MW điện từ thuỷ điện, người ta đã phải bỏ ra ít nhất cũng khoảng 12.000 tỷ đồng, chưa kể những thiệt hại khác về môi sinh. Nếu không có phương án giải quyết sớm, thì hàng chục nghìn tỷ này sẽ tiếp tục "đắp chiếu", trong khi điện vẫn không có để dùng.

Nhóm PVKT
.
.
.