Thương hiệu xe máy bị “ăn cắp” từ A đến Z

Thứ Ba, 27/06/2006, 13:21

Cứ mỗi khi có một dòng xe mới ra đời, không bao lâu sau trên thị trường đã xuất hiện những chiếc xe "hệt 100%", chỉ khác tên gọi. Honda là hãng bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp nhiều nhất vì đây là thương hiệu mạnh. Ngoài ra dòng xe Best của Suzuki, Jupiter của Yamaha cũng “được” làm nhái khá nhiều.

Hẳn chúng ta chưa quên câu chuyện về việc vi phạm quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN) của Công ty M. đối với Công ty Honda. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh, vận chuyển xe vi phạm, đơn vị này liền viết đơn tố cáo tới các tỉnh và tung tin thất thiệt cho báo chí, gây hoang mang dư luận và lực lượng thực thi.

Sự việc nghiêm trọng tới mức, Cục Quản lý thị trường phải tổ chức cuộc họp công khai với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để làm rõ việc Công ty M. vi phạm kiểu dáng xe Wave của Công ty Honda và vi phạm quy định đăng kiểm.

Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chỉ xử lý các hộ kinh doanh, vận chuyển xe máy vi phạm do Công ty M. lắp ráp, không xử lý đối với đơn vị sản xuất lắp ráp. Và Công ty M. vẫn thản nhiên lắp ráp chính kiểu xe đã bị cơ quan chức năng các tỉnh xử lý với quy mô ngày càng lớn, ngay giữa lòng Hà Nội.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong lĩnh vực sản xuất xe máy thì Honda bị vi phạm quyền SHCN nhiều nhất vì đây là thương hiệu mạnh. Không chỉ một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà một số liên doanh nước ngoài cũng làm nhái kiểu dáng, phụ tùng của Honda. Cứ mỗi khi có một dòng xe mới ra đời, không bao lâu sau trên thị trường đã xuất hiện những chiếc xe "hệt 100%", chỉ khác tên gọi. Dòng xe Best của Suzuki, Jupiter của Yamaha được làm nhái khá nhiều.

Mẫu mã, màu sơn, thậm chí tem nhãn cũng bị vi phạm quyền SHCN nghiêm trọng. Đánh cắp thương hiệu đối với xe máy xảy ra tràn lan, phổ biến trong nhiều năm qua, nhưng vì sao những đơn vị vi phạm vẫn tồn tại? Phải chăng chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh?

Tảng băng chìm sao chưa bị xử lý?

Con số hơn 1.500 xe máy bị lập biên bản và xử phạt vi phạm kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm của Honda Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đã chứng tỏ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng. Đã có 20 địa phương triển khai các hoạt động kiểm tra xe máy vi phạm quyền SHCN của Công ty Honda, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam (tại Lâm Đồng phát hiện 118 chiếc; Kiên Giang 134 chiếc, Bến Tre 304 chiếc, TP HCM hơn 400 chiếc).

Đặc biệt, lần đầu tiên một cơ sở sản xuất và lắp ráp xe máy vi phạm quyền SHCN của Honda bị phát hiện. Đó là chi nhánh của Công ty TNHH Đức Phương (Nam Định), đóng ở 450 đường Nguyễn Xiển, phường Long Thạch Mỹ, quận 9 (TP HCM) đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang 5 dây chuyền lắp ráp xe máy đang hoạt động, sản xuất ra hàng trăm chiếc xe có kiểu dáng vi phạm SHCN với mẫu xe Wave, Future Neo, Wave RS.

Một chương trình quảng bá thương hiệu của Honda.

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã bắt giữ một lô xe máy có dấu hiệu vi phạm quyền SHCN của Honda. Qua xác minh, lô xe máy này do Công ty cổ phần Xe máy Hoa Lâm Kymco sản xuất và lắp ráp. Vụ việc hiện vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Mỗi năm Cục Quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 5.000 vụ sản xuất và tiêu thụ hàng giả, trong đó hình thức "mượn" nhãn hiệu có tên tuổi chiếm phần lớn. Theo phản ánh của một số công ty sản xuất xe máy thì nhiều hộ kinh doanh đã bước đầu nhận thức được hành vi vi phạm quyền SHCN và hậu quả pháp lý của nó. Nhiều hộ đã yêu cầu các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước phải cam kết sản phẩm của mình không vi phạm quyền SHCN.

Đây là tín hiệu vui, nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện và xử lý được phần ngọn của tảng băng ngầm là người kinh doanh và vận chuyển xe hai bánh gắn máy vi phạm quyền SHCN của các thương hiệu nổi tiếng… Còn phần chìm đồ sộ của tảng băng này là các đơn vị sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy vi phạm thì vẫn chưa bị phát hiện và xử lý.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, có những doanh nghiệp thành lập chỉ với mục đích chuyên dựa trên uy tín của người khác để kinh doanh bất chính. Theo ông Hùng, nếu không xử lý tận gốc những công ty sản xuất, lắp ráp xe máy thì sẽ không chấm dứt được tình trạng vi phạm quyền SHCN.

Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xe máy, mức phạt cao nhất từ trước đến nay chỉ 30 triệu đồng - con số quá thấp so với mức độ làm lợi hàng tỷ đồng. Theo đánh giá, các tiêu chuẩn bảo hộ đưa ra trong luật SHTT đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà Tổ chức Thương mại thế giới quy định. Nhưng hệ thống thực thi của chúng ta lại yếu.

Thiết nghĩ, để các doanh nghiệp bình đẳng khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý các đơn vị sản xuất, lắp ráp xe vi phạm; Cục Đăng kiểm Việt Nam phải kiểm tra chặt chẽ, không cho phép xe vi phạm quyền SHCN xuất xưởng và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ không cho đăng ký lưu hành các xe máy vi phạm quyền SHCN

Trần Hằng - Hồng Hạnh
.
.
.