Thuốc lá lậu vẫn hoành hành

Thứ Sáu, 17/06/2011, 16:15
Các biện pháp xử lý thuốc lá lậu rất mạnh tay, mức phạt nặng nhưng các quy định "thép" dường như không mấy hiệu quả. Thuốc lá lậu vẫn hoành hành, thậm chí còn phát hiện những vụ buôn lậu "khủng" hơn trước.

Cuối năm 2010, người ta chờ đợi những thay đổi khả quan từ Nghị định 76 của Chính phủ (Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá). Nhưng tới nay, sau 9 tháng Nghị định 76 có hiệu lực thi hành, vấn nạn buôn lậu thuốc lá không giảm nhiệt, thậm chí còn xảy ra những vụ buôn lậu cực lớn, có quy mô, tổ chức chặt chẽ.

Điển hình, ngày 17/3/2011, Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh bắt giữ vụ nhập lậu 1 vạn bao thuốc lá điếu với các nhãn hiệu khác nhau. Tiếp đó, ngày 8/4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt giữ vụ buôn lậu cực lớn, số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ lên tới 10 vạn bao, ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Cùng thời gian, Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ 2 nghìn bao thuốc lá Vinataba giả, sản xuất ở nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam. Cuối tháng 5/2011, Công an TP HCM phát hiện, xử lý vụ buôn lậu thuốc lá, thu giữ số lượng hàng vạn bao.

Theo quy định tại điều 11b - Nghị định 76/2010/NĐ-CP, thuốc lá được đưa trở lại danh mục hàng cấm với mức xử phạt cao hơn nhiều lần so trước đây. Cụ thể, nếu buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng 10 bao (1 bao = 20 điếu) thì bị xử phạt từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng. Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có số lượng từ trên 10 bao đến 50 bao.

Mức phạt hành chính cao nhất lên tới 100 triệu đồng đối với buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu từ 1 nghìn đến 1.500 bao. Đối với hành vi vi phạm có số lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên thì cơ quan phát hiện hoặc thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt là 100 triệu đồng.

Với việc áp dụng mức phạt hành chính nói trên (cao nhất đến 100 triệu đồng), Nghị định 76 nhằm ngăn chặn việc buôn bán thuốc lá nhập lậu nhưng chưa đến mức xử lý hình sự (dưới 1.500 bao). Cơ quan quản lý Nhà nước cũng kỳ vọng việc Nghị định có hiệu lực sẽ đủ mạnh, đánh vào hầu bao người vi phạm với 8 khung phạt tiền với các mức khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng mức xử phạt cao chưa hẳn đã là giải pháp đúng để ngăn chặn vấn nạn thuốc lá lậu hoành hành. Kể từ khi áp dụng Nghị định 76 (từ 1/9/2010), nạn buôn lậu thuốc lá vẫn rất phức tạp, nhất là tại các tỉnh Đông Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh) và Tây Nam (Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang...). Chẳng hạn, chỉ riêng điểm nóng thuốc lá lậu ở Long An, trong 3 tháng gần đây đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ, thu giữ khoảng 60 vạn gói thuốc lá nhập lậu, tăng so với thời điểm Nghị định 76 có hiệu lực (trước tháng 9/2010).

Trên cả nước, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu thuốc lá có quy mô lớn, đặc biệt là nhiều vụ có sự tiếp tay của cán bộ chức năng. Mới đây là vụ Lê Ngọc Tuấn, nguyên cán bộ quản lý thị trường đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để chuyên chở, mua bán số lượng thuốc lá lậu rất lớn. Từ cán bộ quản lý thị trường, Tuấn trở thành người cầm đầu đường dây buôn lậu thuốc lá tại TP HCM.

Phạt nặng, nhưng vấn nạn buôn lậu thuốc lá không giảm.

Khi áp dụng Nghị định 76, để đối phó mức phạt cao, các đối tượng buôn lậu, kinh doanh thuốc lá lậu tìm cách chia nhỏ số lượng hoặc giao cho nhiều người, vận chuyển nhiều đợt. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất chính là sự móc nối, tiếp tay của cán bộ có trách nhiệm (hải quan, quản lý thị trường). Vụ Lê Ngọc Tuấn không phải cá biệt.

Các đường dây buôn lậu thuốc lá lớn thường không phải ngẫu nhiên thực hiện, chúng cũng không "dại dột" đơn phương độc mã vận chuyển số lượng hàng lớn đi tiêu thụ. Tìm hiểu "thế giới ngầm" vấn nạn này cho thấy, các đối tượng có sự bao bọc kín kẽ, khi bị động sẽ sẵn sàng can thiệp bằng nhiều cách nhưng thông dụng nhất là "điện thoại cho người thân" (điện thoại cho người có chức vụ, quyền hạn nhờ can thiệp). Nếu không đạt, chúng chuyển sang dùng "trợ giúp 50/50", tức chấp nhận "lót tay" 50% giá trị hàng hóa bị phát hiện. Chỉ khi tất cả các cách nói trên đều bị vô hiệu, đối tượng buôn lậu, kinh doanh thuốc lá lậu mới chấp nhận "dừng cuộc chơi".

Đó là về việc xử lý. Còn nguyên nhân của vấn nạn buôn lậu lại bắt nguồn từ yếu tố cung cầu và chênh lệch mức giá quá lớn giữa nhập lậu với giá thị trường. Hiện, thuế suất đối với thuốc lá được áp dụng rất cao. Trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá đứng đầu bảng thuế với mức thuế suất 65%.

Còn thuế nhập khẩu, theo biểu thuế Bộ Tài chính ban hành thì mức thuế suất với thuốc lá điếu là 140%, xì gà là 125%. Tính các loại thuế, mức giá đến tay người tiêu dùng đã gấp ít nhất 2,5 lần so với hàng nhập lậu. Với lợi nhuận “khủng” như vậy, dễ hiểu vì sao nhiều đối tượng chấp nhận nộp phạt rồi buôn lậu tiếp.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, chỉ có khoảng 1% số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, còn số vụ bị xử lý thấp hơn nữa, mỗi năm buôn lậu thuốc lá gây thất thoát khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Với tỷ lệ chỉ 1% bị phát hiện, vậy, nếu một người buôn lậu 100 lần, có 99 lần trót lọt, chỉ một lần bị bắt thì dù mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng cũng không thấm gì lợi nhuận họ đã thu về 99 lần trước đó.

Về nguyên nhân xã hội, điều cốt yếu là ở quy luật cung cầu. Nhu cầu tiêu thụ thuốc lá ở nước ta còn quá lớn. Tăng giá thuốc để làm hẹp túi tiền người hút không phải biện pháp khả thi. Tăng thuế cao, mức chênh lệch lớn, buôn lậu càng hoành hành. Cơ quan chức năng dù có tăng bao nhiêu lần quân số cũng không thể kiểm soát đủ, chưa kể khi lợi nhuận càng chênh lệch, càng phát sinh tiêu cực giữa cán bộ chức năng với đối tượng buôn lậu. Cái chính, không gì khác, chính là vận động để giảm cầu trong nhân dân.

TP HCM: Tạm giữ gần 3.000 bao thuốc lá ngoại thuộc mặt hàng cấm kinh doanh

Ngày 16/6, Chi cục QLTT Củ Chi cho biết, qua nguồn tin của quần chúng, Đội QLTT Củ Chi phối hợp với Công an huyện Củ Chi và Công an xã Thái Mỹ khám xét nơi cất giấu hàng cấm tại nhà số 89A, tỉnh lộ 7, ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi do bà Nguyễn Thị Xi (44 tuổi) làm chủ.

Tại khu nhà bếp lực lượng kiểm tra phát hiện có 2 bọc nilon màu xanh, bên trong chứa 1.140 bao thuốc lá ngoại nhập. Tại khu vực nhà kho phía sau nơi kinh doanh nước giải khát có 3 bao nilon màu xanh và một thùng carton chứa 1.813 bao thuốc lá ngoại.

Toàn bộ số thuốc lá ngoại nhập trên mang hiệu Jet và Hero không có tem nhập khẩu và là mặt hàng cấm kinh doanh. Toàn bộ tang vật và hồ sơ vụ việc đã chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi để xử lý theo quy định.

T.H.

P. Đăng
.
.
.