Thuế vẫn “làm khó” doanh nghiệp

Thứ Năm, 17/06/2010, 14:46
Ngày 16/6/2010, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách Thuế và Hải quan. Trước khi Hội nghị diễn ra, Bộ Tài chính đã tập hợp ý kiến thắc mắc của DN và giải đáp bằng văn bản chính thức vì "khuôn khổ buổi đối thoại không cho phép trả lời hết tất cả các thắc mắc đưa ra". Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã cố gắng giảm tải từ trước, nhưng buổi giao lưu vẫn rất nóng với những vấn đề sát sườn với lợi ích của DN.

3 năm đòi hoàn thuế

Mang nỗi bức xúc từ 3 năm nay chưa được giải quyết, ông Phạm Quang Toàn, Trưởng phòng Sản xuất của Công ty LG Electronics cho biết: theo quy định, linh kiện điện tử trong máy giặt của công ty này phải nộp mức thuế chênh lệch là 2,4 tỷ đồng. Công ty đã chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, theo cách tính mới, mức thuế 2,4 tỷ này được xoá bỏ và công ty sẽ được hoàn lại, thế nhưng từ năm 2008 đến nay, công ty vẫn không được hoàn trả.

Một DN khác cho biết việc thay thế xe van từ 25 tấn lên 40 tấn cũng đang gây khó khăn cho DN. Từ tháng 12/2009 đến tháng 4/2010, có DN nộp thuế suất 18%, có DN nộp 20% tùy theo từng cửa khẩu khác nhau. Trong số các DN nộp 20%, có DN được hoàn thuế, có DN không. Mặt khác, liên tục trong hai năm 2008 và 2009, khi DN kiến nghị vấn đề này, Bộ Tài Chính đều có văn bản yêu cầu phải chờ. Năm 2010, Bộ Tài Chính lại trả lời chỉ được hoàn thuế đối với các DN đã bán xe, đã quyết toán thuế... 

Thuế GTGT chưa khuyến khích nông dân sản xuất

Về vướng mắc khi nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), đại diện Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển miền núi Thanh Hóa khẳng định chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng lương thực, nông sản mua trực tiếp của người dân đưa đi tiêu thụ còn nhiều bất cập và chưa sát với tình hình thực tế, không khuyến khích được các đơn vị thu mua hàng nông sản, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa. DN mua hàng nông sản mua vào trực tiếp của nông dân không có hoá đơn nên không được khấu trừ thuế đầu vào nhưng đầu ra lại phải chịu thuế 5%. Như vậy một DN phải thực hiện 2 luật thuế: Luật thuế GTGT và Luật thuế Doanh thu?...

Cùng chung nỗi lo khi thu mua nông sản, Công ty Lương thực Tiền Giang đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét lại việc quy định mua hàng từ 20 triệu đồng phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và kiến nghị nâng giá trị thanh toán qua ngân hàng từ 150-200 triệu đồng vì hoạt động mua bán hàng nông sản không phải theo giờ hành chính mà diễn ra cả trong ngày thứ 7 và ngày chủ nhật kể cả ban đêm, trong khi đó các ngân hàng làm việc từ thứ 2 đến 15h thứ 6 là đã khoá sổ.

Khi mua hàng, DN phải giao tiền ngay, nếu chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng không cùng hệ thống thì phải đến ngày hôm sau người bán mới nhận được, lúc này có thể giá cả đã thay đổi và người bán cũng không chấp nhận hình thức thanh toán này, vì vậy đã xảy ra tình trạng cắt giá, đưa hàng giá trị dưới 20 triệu đồng để được nhận tiền mặt. Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định đề nghị của Công ty Lương thực Tiền Giang vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính. 

Doanh nghiệp đang khai báo Hải quan.

Đối với DN có hoạt động khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương, hiện nay, giá tính thuế tài nguyên qui định cho cùng một loại khoáng sản lại chênh lệch rất lớn trong khi công ty có giá bán thống nhất. Ngoài ra, các địa phương đã quyết định thu phí môi trường theo Nghị định 63/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng lại ban hành thêm mức thu phí hạ tầng với mức tương đương với Nghị định (NĐ) 63 gây khó khăn cho đơn vị.

Trả lời thắc mắc này, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: Pháp lệnh giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh quy định: giá tính thuế là giá bán chưa chế biến thành sản phẩm khác. Còn pháp lệnh phí đã quy định danh mục phí, bởi vậy các địa phương thu phí hạ tầng ngoài NĐ 63 là không đúng quy định.

Vẫn rắc rối khi thông quan điện tử

Về vướng mắc trong thủ tục Hải quan điện tử, một DN đến từ LG Electronics phản ánh: hiện nay, việc triển khai thủ tục Hải quan điện tử là rất tiện lợi, giảm thiểu thời gian, công sức, giấy tờ cho các DN. Nhưng trên thực tế, lại phát sinh câu chuyện đó là một số cơ quan chức năng như Thuế, Ngân hàng, Kiểm toán vẫn đòi xuất trình giấy tờ. Điều này khiến cho DN lại phải làm lại các thủ tục từ đầu, mất thời gian, công sức. Đấy là chưa kể Hải quan các cửa khẩu chưa kết nối được với các Cục và chi cục Hải quan khác, nên dù đã thông quan điện tử ở nơi này, đến nơi khác vẫn phải xuất trình giấy tờ gốc, nên vẫn không giảm được thời gian đi lại.

Đối với những DN hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài, các giao dịch mua bán đều qua các phương tiện điện tử chuyển từ nước ngoài về. Đến khi các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng từ gốc là một điều cực kỳ khó khăn...

Đối với những rắc rối này, đại điện Bộ Tài chính khẳng định: việc xuất trình chứng từ gốc không phải là điều bắt buộc vì DN có thể in các văn bản, hợp đồng nhưng bắt buộc phải có đóng dấu xác nhận của DN mình. Cùng với đó, nếu các DN cần mở tờ khai ở từ 2 cửa khẩu trở lên, không nhất thiết phải xuất trình giấy tờ gốc. Hiện Bộ Tài chính đang xin ý kiến để cải thiện thủ tục này: thay vì DN phải in tại công ty thì sẽ in tại cửa khẩu thứ 2…

Lệ Thúy - Huyền Thanh
.
.
.