Hiện đại hóa ngành khai khoáng:

Thuế suất tài nguyên cao cản trở nhà đầu tư ngoại

Chủ Nhật, 06/12/2015, 07:27
Hiện đại hóa ngành khai khoáng là chủ trương lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức thuế suất tài nguyên thuộc nhóm cao nhất thế giới và đang rục rịch tăng như hiện nay, thật khó để ngành khai khoáng có thể thu hút được nhà đầu tư ngoại với công nghệ hiện đại.

Hiện đại hóa ngành khai khoáng là chủ trương lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức thuế suất tài nguyên thuộc nhóm cao nhất thế giới và đang rục rịch tăng như hiện nay, thật khó để ngành khai khoáng có thể thu hút được nhà đầu tư ngoại với công nghệ hiện đại. Hệ lụy của điều này là khoáng sản vẫn bị khai thác ồ ạt với công nghệ lạc hậu, gây tổn thất tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Việc khai thác khoáng sản ở Việt Nam chủ yếu vẫn được thực hiện bởi công nghệ lạc hậu.

Chỉ thị số 2/CT-TTg tháng 1-2012 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định tài nguyên khoáng sản là một yếu tố quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời nêu rõ, tài nguyên khoáng sản phải được khai thác, chế biến bằng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam khó có thể thu hút được những dự án đầu tư lớn từ nước ngoài do pháp luật về khoáng sản còn ít thân thiện với nhà đầu tư. Thuế suất tài nguyên cao, kèm theo nhiều loại thuế, phí khác đang trở thành rào cản cho nhà đầu tư ngoại.

Nghị quyết số 712/2013/UBTV-QH13 ngày 16-12-2013 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành biểu thuế tài nguyên khoáng sản đã nâng thuế suất tài nguyên đối với một số loại khoáng sản lên từ 1-5%. Đây là những mức thuế suất tài nguyên thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đơn cử như, mức thuế suất bình quân đối với vàng trên thế giới là 1-5% trên doanh thu thành phẩm, trong khi mức thuế suất của Việt Nam là 15%.

Việc Bộ Tài chính dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTV-QH13, trong đó sẽ tăng thuế suất tài nguyên thêm 2-7% càng khiến nhà đầu tư thêm băn khoăn. Nếu dự thảo này được thông qua thì nhiều khả năng, quy định này sẽ khiến việc đầu tư hiện đại hoá  ngành khai khoáng trở nên không có lãi, dẫn tới đóng cửa mỏ và theo đó sẽ làm mất nguồn thu ngân sách, trong khi tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình khai thác trái phép, tàn phá môi trường, thất thoát khoáng sản do sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.

Một điều nghịch lí là, mặc dù thuế suất tài nguyên của Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới, song tổng thu thuế từ tài nguyên lại chiếm tỉ trọng rất thấp. Bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: "Việc thu thuế tài nguyên hiện nay được thực hiện dựa trên sản lượng tự khai báo của doanh nghiệp, trong khi chưa có cơ chế giám sát hữu hiệu. Doanh nghiệp thường khai báo sản lượng thấp hơn sản lượng thực tế, khiến thất thoát nguồn thuế không nhỏ".

Khánh Vy
.
.
.