Thực trạng buồn tại cụm công nghiệp Vân Tràng

Thứ Hai, 24/10/2005, 14:33

4 năm trôi qua kể từ khi có quyết định thành lập dự án và cũng đã gần 3 năm đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Vân Tràng không những không đáp ứng được chủ trương đề ra mà còn làm cho ô nhiễm lan rộng hơn.

Vân Tràng là một làng nghề cơ khí truyền thống thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ mà Ban quản lý dự án (BQLDA) cung cấp, tổng khối lượng nước thải các cơ sở sản xuất ở làng nghề này đổ ra mỗi tháng lên tới 10.000m3, hàm lượng cyanua đã vượt 65 - 117 lần quy định cho phép.

Còn số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nam Trực năm 2.000 cho thấy, Vân Tràng có 672 hộ, trong đó có 529 hộ làm nghề, tiếp xúc trực tiếp với máy móc đều bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da,... nhiều gia đình không làm nghề cũng bị ảnh hưởng do dùng nước ở những ao bị nhiễm nước thải.

Ngày 2/10/2001, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 2099/QĐ-UB phê duyệt dự án sử dụng 20.000m2 đất ngay cạnh làng nghề để xây dựng cụm công nghiệp (CCN) nhằm mở rộng sản xuất và tách các cơ sở làm nghề ra một khu riêng biệt để xử lý triệt để vấn đề nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong Quyết định số 2099 của UBND tỉnh Nam Định đã nói rõ thời gian thực hiện dự án là từ năm 2001 - 2002 với nhiều hạng mục phải hoàn thành như: hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, bãi chứa và xử lý chất thải rắn, 20 kiốt dành kinh doanh cho thuê giới thiệu và bán sản phẩm, kho bãi cho thuê chứa vật liệu của CCN, các công trình phụ trợ khác... nhưng từ khi có quyết định này đến nay đã 4 năm trôi qua mà vẫn chưa hề có một hạng mục nào được hoàn thành. BQLDA chỉ làm được một việc duy nhất là san lấp một khoảng mặt bằng cho các hộ thuê đất để thu tiền làm nhà.

Tính đến cuối năm 2004, toàn bộ 67 hộ đã sử dụng mặt bằng trong tổng số 72 hộ thuê đất đều đã xây nhà mái bằng với những mô hình và kích thước khác nhau, thậm chí, người ta còn đưa cả gia đình ra sinh sống ngay tại đó, bên ngoài thì núp dưới vỏ bọc của CCN, nhưng thực chất đây là một khu dân cư một khu sản xuất mới.

Khi chúng tôi đi dạo hết mấy vòng khu vực này, tìm đến “đỏ mắt” mà vẫn chẳng thấy hệ thống xử lý nước thải, chỉ có một hồ xây dở rồi bỏ đấy. Trong căn phòng rộng khoảng 50m2 của cơ sở N.S. chuyên sản xuất đồ nhôm ở đầu CCN, 4 người thợ đang miệt mài nhúng những chiếc chậu vào một cái bể nhỏ, khi lôi ra những chiếc chậu ấy sáng hẳn lên. Tôi tò mò tiến lại gần, nhưng còn cách hơn 2m thì khựng lại vì thứ mùi khét lẹt bốc lên nồng nặc đến giàn giụa cả nước mắt.

Ông D., chủ nhà giải thích, đó là bể hóa chất dùng để tẩy sạch nhôm. Tôi hỏi: “Hóa chất này dùng xong thì bác xử lý thế nào?”. Lật tấm tôn ở góc xưởng, chủ nhà chỉ cho tôi xem một cái hố nhỏ: “Tớ đổ hết xuống đây, cho nó tự tiêu”. “Thế bác không sợ nó ngấm vào mạch nước ngầm của làng à?”. Ông D. phân trần: “Tôi cũng biết thế này là nguy hiểm, nhưng không làm vậy thì chú bảo tôi đổ đi đâu bây giờ?”.

Rời cơ sở N.S, chúng tôi tiếp tục đến một cơ sở sản xuất nông cụ ở cuối CCN. Tại cơ sở này, người ta không cho nước chảy xuống ao nhưng lại có chiêu “độc” là bắc ống để nước thải chảy thẳng xuống... cánh đồng. Những người dân ở đây còn cho biết, cách đây hơn một năm trong lúc đi làm đồng, một số người vô tình lội qua những thửa ruộng này chỉ vài ngày sau đã bị viêm da rất nặng, thậm chí có người còn bị phồng, rộp và tróc da.

Ông Vũ Thế Đình - Chủ tịch UBND thị trấn (Trưởng BQLDA) cho biết: “Do triển khai giải phóng mặt bằng kéo dài hơn dự kiến nên chúng tôi quyết định tiến hành song song việc giao đất cho các hộ làm xưởng sản xuất và xây khu xử lý nước thải để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án”.

Ông Đình thêm: “Chúng tôi đang cố gắng, nhưng hiện nay vẫn chưa thỏa thuận được giá đền bù ruộng nên cũng không dám chắc khi nào sẽ hoàn thành”.

Trong bản hợp đồng ký kết giữa người thuê đất với BQLDA có quy định lạ: Các hộ chỉ được phép xây nhà xưởng sản xuất (nhà cấp bốn, lợp mái phibrôximăng), không được xây nhà kiên cố (nhà mái bằng, cao tầng) (?!). Khi được hỏi: Căn cứ vào đâu để quy định các hộ dân chỉ được phép xây nhà xưởng là nhà cấp bốn? Ông Đình trả lời: “Do ban quản lý quy định, vì những người thuê đất đều đã có nhà trong làng nên chúng tôi không cho phép xây và cũng là muốn tránh những sự việc như hiện nay”. Nhưng trên thực tế BQLDA đã không giải quyết những kiến nghị thực tế của người dân, đã vậy quản lý lại lỏng lẻo để xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan.

Cũng do quản lý yếu kém nên trước tình trạng dân xây nhà không theo quy hoạch ở CCN Vân Tràng, BQLDA chỉ còn biết cầu cứu cấp trên, đã dẫn đến việc UBND huyện Nam Trực ra quyết định xử phạt các hộ dân với lý do xây dựng sai quy cách vào tháng 12/2004, trong đó có hộ bị phạt tới 28 triệu đồng(?!). Tuy nhiên, kể từ đó tới nay không một ai chịu nộp phạt vì cho rằng cách giải quyết như vậy là bất hợp lý

Nguyễn Anh Dũng
.
.
.