Thực phẩm Tết tăng giá từng ngày

Thứ Hai, 08/02/2010, 12:01
Càng sát Tết, thực phẩm càng đắt đỏ, thậm chí buổi sáng đi chợ một giá, đến chiều đã tăng thêm một ít. Thịt bò, gà, lợn, và một số đồ khô như măng, miến, nấm hương đội giá nhiều nhất.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, Đoàn Thị Điểm, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Giảng Võ, Hà Nội... giá các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, bò, gà; tôm, cá; các loại rau xanh đang ở mức cao, và xu hướng tăng lên trong những ngày sắp tới, dù rằng thời tiết nắng ấm, các loại rau được mùa, nguồn cung ứng thực phẩm cũng dồi dào và không khan hiếm như mọi năm.

Một tiểu thương ở chợ Vĩnh Hồ, Hà Nội nói thẳng: "Cứ đi mà khảo giá các chợ lân cận, người ta tăng giá đấy. Giá cả là chung, theo thị trường, họ tăng, chẳng lẽ mình không". Hiện giá các loại thịt đã tăng 5.000-7.000 đồng mỗi kg so với vài ngày trước đó.

Rau là một trong số những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong những ngày Tết. Ảnh: VNE.

Bà Bình ở Đống Đa, Hà Nội kể chiều hôm thứ 7 bà mua thịt bò bắp giá 135.000 đồng một kg, đến sáng chủ nhật, cũng tại chợ ấy, chủ hàng ấy với mặt hàng tương tự, giá đã đội lên tới 140.000-145.000 đồng. "Mặc dù tôi mặc cả và thắc mắc nhiều, song chủ hàng chỉ nói rằng ngày Tết phải chấp nhận đó là giá chung", bà Bình nói.

Tại chợ Đoàn Thị Điểm và chợ Hôm, Hà Nội giá thịt lợn thăn dao động quanh mức 75.000-78.000 đồng mỗi kg, thịt mông giá khoảng 65.000 đồng mỗi kg; thịt bò bắp giá dao động khoảng 135.000-150.000 đồng mỗi kg.

Nhiều tiểu thương nhận định, năm nay, giá gà ta được bán chạy hơn cả. Một số khách hàng quen thuộc đặt gà trước và đến ngày sát Tết mới mang hàng về nhà. Hiện, gà ta có giá bán khoảng 80.000-90.000 đồng mỗi kg. Gà công nghiệp giá khoảng 55.000-60.000 đồng. Đây được coi là giá bình dân và chỉ nhích nhẹ so với trước khoảng trên dưới 10.000 đồng. Giới kinh doanh nhận định mấy ngày tới, giá có thể tăng thêm khoảng 10-20%.

Giá mỗi kg thịt bò bắp vào khoảng 135.000-150.000 đồng. Ảnh: VNE.

Một số mặt hàng được dự báo tiêu thụ mạnh trong những ngày tới là thủy, hải sản như tôm, cua cá, ngao... Hiện một kg tôm sú có giá 230.000-240.000 đồng, tùy vào độ tươi của hàng hóa. Tôm he giá khoảng 123.000-135.000 đồng, tùy loại. Năm nào cũng vậy bất kể thời tiết lạnh hay nóng, tôm vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, có mức tăng cao và nhu cầu tiêu thụ lớn.

Rau xanh cũng được coi là mặt hàng không thể thiếu trong những ngày Tết. Dù các cửa hàng kinh doanh khẳng định năm nay hàng hóa cung ứng khá dồi dào, song chi phí mà người dân bỏ ra cho bữa ăn vẫn đắt đỏ hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân được giải thích là do tốc độ trượt giá. Hiện một mớ rau muống giá khoảng 6.000-7.500 đồng, tùy loại, đắt hơn so với cùng thời điểm năm ngoái 2.000-3.500 đồng. Cải bắp giá khoảng 5.000-7.000 đồng một kg; su hào giá 6.000-8.000 đồng một củ; súp lơ giá trên dưới 10.000 đồng một cây.

Anh Bền, chủ cửa hàng rau xanh ở chợ Nam Đồng, Hà Nội cho hay giá một số loại rau đã nhích lên từ hơn một tháng trước. Và tính trong tháng 1, các loại rau xanh tăng khoảng 4 lần. Mỗi lần tăng vài trăm đồng nên người tiêu dùng hầu như không cảm nhận được. Anh Bên nhận định một vài ngày tới giá cả sẽ có sự nhích nhẹ song không gây đột biến. Bởi lẽ, thời tiết nắng ấm, hàng hóa dồi dào, bà con cũng không còn thói quen tích trữ hàng như mọi năm.

Còn chị Hà, chủ quầy hàng khô ở chợ Nam Đồng, Hà Nội thì nhấn mạnh nhu cầu mua sắm của bà con đối với các mặt hàng đặc trưng của Tết như miến, măng khô, nấm hương... là không thay đổi. Giá các mặt hàng này cũng nhích nhẹ từ vài trăm đến cả chục nghìn đồng tùy loại. Trong đó măng khô và nấm hương là hai mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất.

Trong sáng nay, không chỉ hàng hóa thực phẩm Tết, các mặt hàng bún, miến, phở, mì cũng lần lượt được niêm yết giá bán mới, tăng khoảng 30% so với bình thường. Thậm chí có cửa hàng, chủ quán sẵn sàng tăng giá đồ ăn lên gấp đôi.

Chẳng hạn một bát bún mọc có giá 20.000 đồng, trong khi đầu tuần trước giá chỉ 10.000 đồng. Một bát phở kèm thêm quẩy nóng giá khoảng 25.000 đồng, trong khi trước đây chỉ khoảng 12.000 đồng

Theo VnExpress
.
.
.