Thực phẩm “3 không” tràn ngập ở thị trường TP HCM

Thứ Hai, 11/06/2007, 14:41
Hàng "3 không" là loại hàng không nhãn mác, không rõ thành phần, không rõ xuất xứ. Hiện nay loại hàng nay đang tràn ngập khắp các sạp hàng, chợ đầu mối... tại TP HCM.

Chiều ngày 7/6, tại chợ Bình Tây, chỉ riêng khu vực chợ tạm trên đường Trần Bình, chúng tôi đếm sơ thôi cũng có đến hàng trăm loại thực phẩm khô có nguồn gốc từ Trung Quốc mà lâu nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn xem chúng là những loại thực phẩm “đại bổ” có khả năng “cải lão hoàn đồng” như nấm tuyết, sò điệp, bào ngư, nấm linh chi, nấm đông cô, đông trùng hạ thảo, táo tàu, tổ yến, vi cá, hải sâm, rong sâm… trong tình trạng “phơi trần”, không nhãn mác, không bao bì, không ghi hạn sử dụng.

Ngay cả người bán cũng không biết được các cơ sở sản xuất ra chúng và cũng không biết được là chúng đã được tẩm ướp những thứ phụ gia gì mà vẫn “trường sinh” giữa nhiệt độ lúc thì ẩm ướt, lúc thì nóng bức của TP HCM.

Tại sạp số 125, nếu không được người bán giới thiệu, chúng tôi cứ nghĩ mặt hàng rong sâm (4.000đ/kg) là những cục hữu cơ dùng để bón cho cây trồng chứ không dám nghĩ rằng đây là một loại nguyên liệu dùng để nấu nước sâm rong biển. Nhìn bề ngoài chúng là những khối đen sệt, được đặt trần trên những bao ni lông hở miệng, bốc mùi hôi thối kinh khủng và bám đầy ruồi, nhặng.

Mặc dù vậy, người bán vẫn luôn miệng chèo kéo khách mua, nhiệt tình chỉ dẫn khách hàng chế biến sao cho dễ bán, có lời nhiều! Các loại thực phẩm cao cấp khác như bào ngư, sò điệp, vi cá, táo tàu, nho khô, bong bóng cá, viït lạp, gân bò, mũ trôm… bày bán tại đây cũng trong tình trạng “trần” tiếp xúc với bụi bẩn và ruồi nhặng. Tuy nhiên theo như lời người bán, cứ mua mang ngâm và rửa sạch cho “nhả” bụi và ẩm mốc là có thể dùng được!

Khác với thực phẩm khô, bánh kẹo, đồ hộp Trung Quốc bán tại các chợ trên đều được đóng gói khá đẹp, nhất là kẹo kiếng (một loại kẹo được gói trong lớp giấy kiếng đủ màu sắc) hiện đang rất được ưa chuộng và tiêu thụ khá mạnh. Ngoài lớp giấy kiếng ra, người mua cũng không hề có được thông tin gì về sản phẩm này vì nó được bán dạng rời, từng 100g.

Cùng với kẹo kiếng, các loại thực phẩm chế biến khác của Trung Quốc bán tại chợ Bình Tây, An Đông, Kim Biên (3 chợ đầu mối lớn của cả nước về mặt hàng thực phẩm khô, phụ gia, hương liệu) trên đều có bao bì khá đẹp nhưng bên ngoài vỏ bao bì thì lại ghi toàn là chữ Trung Quốc và không hề có một dòng chữ tiếng Việt nào ghi nguồn gốc, xuất xứ.

Mua - bán: Tin nhau là chính

Tiểu thương Ng.Th.Th.H., chủ sạp bánh kẹo Th.H. ở chợ Bình Tây cho biết: “Ở đây tụi này bán sỉ, năm này qua tháng nọ, chủ yếu tin nhau là chính, cái nào ngon thì nói ngon, tin thì mua không thì mời đi chỗ khác cho!”.

Quả đúng như lời tiểu thương này, hiện nay một loại bánh tròn, được phủ một vài chấm kem màu trắng mà mọi người thường hay gọi là bánh tuyết hay bánh gạo và một loại kẹo ngậm trong miệng nổ lốp bốp (mà trẻ con thường gọi là kẹo nổ) dù trên bao bì hai loại sản phẩm này ghi toàn các chữ Hán và không hề được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt vẫn được bán khá chạy.

Ngoài bánh kẹo, thực phẩm khô, thời gian gần đây tại thị trường TP HCM cũng bắt đầu xuất hiện một số loại nước uống đóng hộp, đóng chai mang hương vị trái cây, sữa, cà phê xuất xứ từ Trung Quốc, được bán với giá từ 4.000 đến 11.000đ/hộp cũng đang khá “hút” hàng trong mùa nắng.

Trong đó có loại sữa vitamin có tên Nutri Express, không biết sản phẩm này tác dụng ra sao so với cái tên thật kêu của nó: “Công dụng nhanh”! Tại chợ Kim Biên, không có thực phẩm Trung Quốc nhưng hương liệu và phụ gia có nguồn gốc từ xứ sở này thì “bao la”, nhất là hương liệu, có khá nhiều vị khác nhau như nho, cam, dâu, táo, cà phê, sữa, vani… dưới dạng bột và nước. Tuy nhiên, tất cả đều có mẫu số chung là “3 không”, chỉ thông qua người bán hàng mới biết đây là hàng của Trung Quốc.

Chưa nói đến những mối nguy hại mà các sản phẩn “3 không” có thể mang đến cho người tiêu dùng, chỉ biết rằng khi căn cứ vào Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 30/9/2006, tại mục 2 điều 12 và điều 14 về việc thể hiện tính chất hàng hóa qua các thông số về ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, định lượng nguyên liệu, chất phụ gia thực phẩm, cách bảo quản bằng tiếng Việt… thì những người kinh doanh các mặt hàng trên đang vi phạm pháp luật mà họ không biết hoặc cố tình như đang không biết

Theo Lê Mai Thi (SGGP)
.
.
.