Trò chuyện Chủ nhật

Thực hiện mục tiêu kép: Việt Nam chủ động đón làn sóng đầu tư dịch chuyển

Chủ Nhật, 13/09/2020, 07:32
Làm thế nào để đạt “mục tiêu kép” trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn đang là bài toán đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam. 


PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những nỗ lực và giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhất là sau đợt bùng phát dịch lần thứ 2 tại Đà Nẵng, đã và đang đòi hỏi cả xã hội phải chung tay vào cuộc nhằm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, làm thế nào để đạt “mục tiêu kép” trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn đang là bài toán đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những nỗ lực và giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

PV: Kinh tế Việt Nam đã phải chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19. Theo ông, đâu là những điểm sáng để chúng ta hy vọng lấy lại đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Dịch bệnh COVID-19 khiến 17,6 triệu người bị giảm thu nhập. Thu nhập thấp kéo theo khó khăn trong việc kích thích tiêu dùng trong nước. Số DN đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng năm 2020 lên tới gần 34,3 nghìn DN, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, trong đại dịch vẫn có một số điều chỉnh tích cực, đáng ghi nhận. DN một số ngành hàng vẫn tìm được ngách để phát triển, đơn cử như vừa qua một số DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất, xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Mỹ, Nhật, EU. Hay xuất khẩu gạo và hoa quả, nông sản vào được các thị trường khó tính. Những đơn hàng của các DN đã góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đáp ứng mục tiêu Quốc hội giao. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư trong khi dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục. Đây là cơ sở, điều kiện khá tích cực để chúng ta phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

PV: Thưa Bộ trưởng, để rút ngắn khoảng cách phát triển và phục hồi sau đại dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị những giải pháp gì nhằm hỗ trợ DN?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2020, nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH là rất khó khăn, cần nỗ lực tối đa để đạt kết quả cao nhất có thể. Theo đó, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân. Tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Trong đó, cần sử dụng chính sách tài khóa là chủ yếu, thể hiện vai trò chủ đạo, dẫn dắt của nhà nước khi nền kinh tế gặp khó khăn. Các chính sách, giải pháp cần hướng tới các DN đang gặp khó khăn về thanh khoản và dòng tiền, tránh để xảy ra các tác động dây chuyền đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần hướng tới hỗ trợ cả các DN đã và đang tận dụng được cơ hội từ dịch COVID-19.

Các ý tưởng, mô hình, sản phẩm kinh doanh của các DN này đã chứng tỏ được sự hiệu quả, bền vững ngay cả trong đại dịch. Do vậy, cần hỗ trợ để các DN tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo nên động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đối với an sinh xã hội, cần duy trì các chính sách, giải pháp bảo đảm đời sống cho người lao động trong đó trọng tâm là những người lao động bị mất việc làm, thu nhập bị giảm sâu và người lao động nhỏ lẻ ở khu vực phi chính thức.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ lần 1 và dự kiến gói hỗ trợ lần 2?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Các chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đưa ra đến nay là tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể, kịp thời và đúng đối tượng.

Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách đến nay đã hết hạn hoặc phát huy tác dụng chưa cao do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt; điều kiện, thủ tục khá phức tạp; đối tượng thụ hưởng chậm nhận được các hỗ trợ làm cho tình hình thêm khó khăn, khi dịch bùng phát trở lại, làm hạn chế hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về vốn, lãi suất, gia hạn nộp thuế...

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ tình hình triển khai các chính sách đã ban hành; thống kê, đánh giá tình hình DN và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện.

Trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, trong đó: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những giải pháp có hiệu quả cao, thiết thực đã triển khai vừa qua; đồng thời nghiên cứu sửa đổi một số điều kiện chưa sát với thực tế, hạn chế việc tiếp cận chính sách của một số đối tượng mục tiêu; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp bổ sung với quy mô, phạm vi và liều lượng đủ mạnh, đảm bảo tính khả thi để duy trì tăng trưởng và phục hồi được ngay sau khi dịch được kiểm soát.

Về nguyên tắc, các chính sách, giải pháp trong thời gian tới phải xác định trúng vấn đề, đúng đối tượng, bảo đảm tính khả thi và có thể triển khai thực hiện nhanh chóng. Khi xây dựng chính sách phải tính đến độ trễ trong xây dựng, ban hành chính sách ở Việt Nam và độ trễ trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.

Đặc biệt, cần phải có sự đồng thuận, thống nhất cao về chủ trương, quan điểm, phương pháp tiếp cận, cách thức thực hiện để trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đây chính là bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai các chính sách trong giai đoạn đầu khi chính sách ra đời nhưng không thực thi được hoặc thực thi kém hiệu quả. Ngoài ra, cần áp dụng chính sách theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình, quy mô DN, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm đối với nhà nước của các DN.

PV: Nhìn ở mặt tích cực, có ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 là một cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về ý kiến này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng, chống COVID-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á chia sẻ, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm thiết lập hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Do vậy, dù đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, điều đó không ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam.

PV: Vậy chúng ta phải làm gì để nắm bắt, tận dụng được cơ hội này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cho rằng, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, việc nắm bắt các cơ hội phát triển có vai trò rất quan trọng. Do vậy, ngay lúc này, trong cuộc ganh đua mới, đây chính là cơ hội để đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế, đón dòng dịch chuyển đầu tư quốc tế, chủ động tham gia vào các cuộc chơi mới và giành lấy lợi thế. Đây là lúc phải làm việc cật lực, tận dụng các cơ hội trong thời gian nhiều nước đang “nghỉ ngơi” để chúng ta tiến lên rút ngắn khoảng cách và bứt phá.

Khi cơ hội đến thì phải nắm bắt bằng được để hiện thực hóa các kế hoạch, mục tiêu của mình. Theo đó, cần phải thay đổi tư duy và tầm nhìn phát triển. Nắm bắt những cơ hội nhỏ nhất, góp nhặt thành những cơ hội lớn hơn để từ đó chúng ta tiến lên các nấc thang cao hơn, xa hơn.

Có như vậy, Việt Nam mới đi lên, không đứng ngoài cuộc chơi mới, thể lệ mới. Do vậy, phải khơi thông, sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực và tránh lãng phí. Tôi cho rằng, lúc này người Việt Nam phải kiên trì, kiên định, táo bạo và đột phá để đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, ra sức đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, tạo nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0

Phải hoàn thành bằng được và càng sớm càng tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Made in Việt Nam phải trở thành Made by Việt Nam; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, lưỡng dụng do người Việt làm chủ, xây dựng thành công nền công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tư duy về đầu tư cần thay đổi theo hướng tập trung nguồn lực xứng đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm, những khu vực động lực, những địa chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Trong quá trình phát triển, người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, mọi chính sách đều phải hướng tới hạnh phúc của các tầng lớn nhân dân. Con người Việt Nam là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.