Thực hiện GATT khó khăn chỉ vì một phần mềm

Thứ Năm, 21/04/2005, 08:50
Tra cứu một mặt hàng thôi cũng đã mất đến 20 phút. Thường một lô hàng gồm rất nhiều mặt hàng và phân nhóm hàng, chỉ riêng việc tra cứu giá bằng GTT22 đã mất đứt cả nửa ngày trời, một người làm thủ tục hải quan cho biết.

Theo ông này, sau khi tra cứu còn phải đưa kết quả tra cứu đối chiếu với các dữ liệu giá khác, rồi phải tham vấn, nên nhiều doanh nghiệp vẫn kêu ca: Thủ tục của hải quan vẫn "hành" là chính.

Chưa hết, để xây dựng được trị giá tính thuế khách quan, tương đối trung thực đủ để nhà nhập khẩu tâm phục khẩu phục, ngoài GTT22 (phần mềm khai thác thông tin tham khảo giá các mặt hàng trên mạng vi tính do Tổng cục Hải quan xây dựng) còn phải sử dụng các phần mềm khác, trong đó có phần mềm đa chức năng (cũng do Tổng cục Hải quan xây dựng). Song, chúng lại rất "khó tính" khi phối hợp cùng nhau.

Ngay từ khâu đăng ký tờ khai, việc xác định tên hàng hoá tại chương trình đa chức năng chỉ cho phép mô tả tối đa 80 ký tự. Nhưng trên thực tế, có khá nhiều mặt hàng không thể mô tả chính xác trong giới hạn 80 ký tự. Vì vậy, kết quả tra cứu từ phần mềm này gần như vô nghĩa và phần mềm GTT22 tra cứu tiếp theo đương nhiên cũng..."không hiểu".

Trong quy định về đổi mới công tác hải quan, cho phép các doanh nghiệp khai báo bằng dữ liệu điện tử qua đĩa lưu trữ. Tuy nhiên, do thiếu các tiêu chuẩn, quy cách về đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa doanh nghiệp và hải quan nên phần lớn các trường hợp truy nhập, GTT22 tỏ ra hiện tượng "bất hợp tác".

Mặt khác, chu trình truy cập giá bằng phần mềm GTT22 là phải kết nối mạng tham khảo giá tại nhiều nơi. Nhưng khi truyền nhận từ cấp Chi cục về Cục, dữ liệu thường xuyên bị "rớt".

Tại Hải quan Hà Nội, mở chương trình GTT22, tra mặt hàng xe gắn máy SH 125-150 cc có tới 7 dòng hàng, nhưng khi xuống tới Hải Phòng, tra cứu mặt hàng này chỉ còn 3 dòng hàng và khi tới Quảng Ninh, mở chương trình GTT22, cũng tra cứu mặt hàng ấy thì chỉ còn duy nhất 1 dòng hàng. Nếu căn cứ vào kết quả này để áp giá tính thuế thì sao có thể gọi là khách quan?

Qua đợt kiểm tra khảo sát tại các cửa khẩu, Tổng cục Hải quan thừa nhận rằng, còn có những sai sót như kiến thức hạn chế, thao tác chưa đúng hoặc chưa chú ý đến các chỉ mục lựa chọn khi tra cứu. Ví dụ, giới hạn ngày tra cứu tối đa là 60 ngày, thì nhân viên Hải quan lại "quên" không điền thông số này vào mà cứ "click" cả năm. Do đó, máy chạy chậm hoặc là “treo”.

Song, những người thực hiện lại cho rằng, phần mềm GTT22 thiếu rất nhiều các form điền dữ liệu hoặc không tích hợp dữ liệu định sẵn nên việc lựa chọn và nhập dữ liệu đầu vào rất lằng nhằng

Lê Minh Triết
.
.
.