Thừa Thiên - Huế: Cần xử nghiêm việc khai thác vàng trái phép

Thứ Sáu, 04/10/2013, 13:45
Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã điều tra, bóc mẽ hành vi lợi dụng giấy phép kinh doanh khai thác cát sạn lòng hồ Tả Trạch (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) để khai thác vàng trái phép của 3 cá nhân và 1 doanh nghiệp. Theo đó, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định xử phạt hành vi 290 triệu đồng đối với các đối tượng khai thác vàng sa khoáng trái phép...

Nắm được thông tin lòng hồ Tả Trạch có trữ lượng vàng sa khoáng lớn, từ năm 2012 các đối tượng Vũ Đức Huỳnh (57 tuổi); Nguyễn Đình Lý (53 tuổi) và Phạm Thanh Tuấn (44 tuổi), cùng trú tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, đã đến khảo sát. Sau đó, chúng lên phương án khai thác trái phép và đích đến là làm sao qua mặt được cơ quan chức năng để việc khai thác vàng trái phép diễn ra tự nhiên như khai thác cát sạn trên lòng hồ.

Quá trình tìm kiếm phương án đó đã tạo ra sự gặp gỡ “thân tình” với một thỏa thuận kinh tế hết sức béo bở mang đến cho Công ty TNHH Thương Binh Huế (gọi tắt là Công ty Thương Binh Huế, địa chỉ 5/34 Đặng Thái Thân, TP Huế) do ông Phạm Văn Giới làm Giám đốc với nội dung: Công ty Thương Binh Huế dựa vào hợp đồng khai thác cát sạn trên lòng hồ Tả Trạch với Tổng Công ty CP Xây dựng Thủy lợi 4 – Chi nhánh miền Nam nhưng đã hết hạn từ tháng 7/2012 để đưa tàu cuốc vào khu vực lòng hồ Tả Trạch nhằm khai thác vàng sa khoáng trái phép dưới danh nghĩa khai thác cát sạn. Mỗi tàu khi vào hoạt động phải đưa cho Công ty Thương Binh Huế 50 triệu đồng/tháng, sau khi khai thác xong phải bán lại tàu cho công ty.

Tàu cuốc được các đối tượng tập kết vào khai thác vàng trái phép trong lòng hồ Tả Trạch.

Ngoài ra, Công ty Thương Binh Huế đóng góp 50% chi phí đầu tư ban đầu để cùng hợp tác khai thác vàng với các đối tượng trên, lợi nhuận sẽ chia đôi cho mỗi bên sau khi trừ đi chi phí khác thác...

Sau khi thỏa thuận với Công ty Thương Binh Huế, Vũ Đức Huỳnh mua 1 tàu cuốc gần 450 triệu đồng và vận chuyển ra lòng hồ Tả Trạch để khai thác vàng sa khoáng từ tháng 12/2012 trà trộn trong việc khai thác cát sạn trên lòng hồ cả ngày lẫn đêm. Thấy “người cùng hội” nhanh chân hơn đã thu lợi lớn trong việc khai thác vàng sa khoáng trên lòng hồ Tả Trạch, đến đầu tháng 5-2013, Nguyễn Đình Lý cũng đã hoàn tất việc huy động vốn và bỏ ra số tiền hơn 600 triệu đồng để mua 1 chiếc tàu cuốc đưa vào lòng hồ Tả Trạch tổ chức thuê nhân công khai thác vàng sa khoáng.

Giữa tháng 5/2013, Phạm Thanh Tuấn cũng đã hoàn thành việc vận chuyển 1 chiếc tàu cuốc với giá trị gần 500 triệu đồng vào lòng hồ Tả Trạch lắp ráp chờ khai thác. Và, đến ngày 25/5, hai chiếc tàu cuốc của ông Lý và ông Tuấn đã bắt đầu khai thác…

Theo đánh giá của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là vụ việc phức tạp liên quan nhiều đối tượng, phần lớn là đối tượng ngoại tỉnh; việc xác định chủ sở hữu các tài sản, máy móc và người trực tiếp thực hiện tiến hành hành vi vi phạm cũng cần điều tra xác minh rõ ràng, đảm bảo khách quan và nghiêm minh của pháp luật. Khai thác vàng trái phép là vấn nạn nhức nhối trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hoạt động này mang lại lợi nhuận cao cho những người thực hiện nên nhiều người sẵn sàng tái phạm. Trong khi đó mức xử phạt theo quy định còn quá thấp so với lợi nhuận nên tính răn đe chưa cao.

Điển hình là Công ty Thương Binh Huế, vì hám “lộc vàng” năm 2011 đã có hành vi tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép tại suối thuộc khe Vàng (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xử phạt 70 triệu đồng.

Nhưng sau đó, năm 2012, Công ty này tiếp tục lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để tổ chức khai thác vàng trái phép tại Khe Ra Ka và Khe Hu thuộc địa phận xã Hồng Vân và thôn Pa Ring thuộc xã Hồng Hạ, huyện A Lưới và đã bị Công an huyện A Lưới lập biên bản vi phạm. Rồi đến nay, lại tiếp tục tái phạm như đã nêu trên. Để giải quyết dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép, đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có giải pháp đồng bộ, xử phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm; bất kỳ trường hợp tái phạm nào phải điều tra, truy tố trách nhiệm hình sự theo đúng luật định…

Công Bình
.
.
.