Thủ tục hành chính - hết thời 'hành' doanh nghiệp

Thứ Ba, 14/04/2015, 07:30
Thủ tục hành chính - từng được ví von một cách đầy ẩn ý: “Hành” là chính - suốt một thời gian dài trở thành “gánh nặng” trên đôi vai doanh nghiệp (DN). Cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế, thông quan… là chủ trương của Chính phủ đang được nhiều bộ, ngành quyết tâm thực hiện, trong đó Bộ Tài chính đóng vai trò nòng cốt. Chuyên đề “Thủ tục hành chính - hết thời “hành” doanh nghiệp” sẽ đề cập tổng thể công cuộc cải cách hành chính, đặc biệt là về thuế, hải quan đang được tiến hành.

Bài 1:  “Phao cứu sinh” doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát 8.053 doanh nghiệp (DN) dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.540 DN FDI đang hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố ở Việt Nam trong những năm gần đây thì thuế luôn được xem là một trong những thủ tục được đánh giá gây phiền hà hàng đầu cho DN.

Với câu hỏi DN đánh giá thủ tục hành chính nào, trong lĩnh vực nào là phiền hà nhất, kết quả trong 3.870 lượt ý kiến trả lời trên 8.053 DN trong nước tham gia khảo sát, thì đầu bảng trong 5 thủ tục “hành là chính” này là thủ tục thuế, tiếp theo lần lượt là đất đai, tài nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư; thủ tục bảo hiểm xã hội; thủ tục về xây dựng; giao thông vận tải; thủ tục hải quan…

Trước năm 2010, mỗi DN Việt Nam mất tới 1.050 giờ để nộp thuế. Sau một quá trình cải cách, đến cuối năm 2014, mỗi năm DN vẫn mất tới 872 giờ và 32 lần để thực hiện các thủ tục thuế. Trong 872 giờ, thì số giờ DN dùng để đóng các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động là chiếm thời gian nhiều nhất, với 335 giờ. Điều này bắt nguồn từ yêu cầu phải tuân thủ năm loại thuế đánh trên thu nhập trước thuế và nghĩa vụ phải làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại, DN tốn 320 giờ nộp thuế VAT, 217 giờ để nộp thuế thu nhập DN. Trong đó, thủ tục nộp thuế yêu cầu chi tiết trong hồ sơ khai hằng tháng và cả năm, phải kê khai nhiều lần trong năm, việc kê khai nhiều, khi vừa thực hiện bằng giấy, vừa kê khai điện tử, thời gian làm thủ tục nộp thuế dài…

Điều đáng nói là, trong khi thế giới có những bước cải cách vượt bậc, thì thời gian “găm” 872 giờ nộp thuế, đã khiến cho Việt Nam tiếp tục bị tụt hạng trên bảng chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2012, lĩnh vực nộp thuế Việt Nam xếp thứ 138/183 quốc gia. Năm 2013, chỉ số này tụt 11 bậc, xuống vị trí 149 trên 189 quốc gia. Và chỉ số nộp thuế năm 2014 của Việt Nam giảm tiếp 22 bậc, từ 149 xuống còn 171. 

Báo cáo Môi trường kinh doanh được WB công bố, Việt Nam đang là nước có số giờ nộp thuế lớn nhất Đông Nam Á, và mất tới 40,8% lợi nhuận để nộp thuế, trong khi bình quân ASEAN chỉ 31,4%. Đặc biệt, việc nộp thuế ở Việt Nam tốn thời gian nhất so với 5 quốc gia lân cận, trong khi, đây chính là đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Việc cắt giảm 701 giờ nộp thuế sẽ tiết kiệm được 6,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh thuế, hải quan, các thủ tục khác cũng có “thành tích” hành DN không kém. Để bắt đầu thành lập công ty ở Việt Nam, DN sẽ mất 34 ngày và tốn kém khoảng 5,3% tổng thu nhập bình quân theo đầu người. Trong quá trình đó, việc đấu nối điện gây lãng phí nhất, khi các DN mất tới 115 ngày và hơn 1.425% thu nhập theo đầu người, nghĩa là tốn kém gấp 14 lần. Đến khi kinh doanh khó khăn, vỡ nợ, phải phá sản, thì các DN ở Việt Nam mất tới 5 năm và chi khoảng 15% giá trị tài sản để hoàn tất thủ tục này. Với DN nước ngoài vào Việt Nam, từ khi nhà đầu tư khi có ý định đầu tư, cho đến khi xây dựng nhà máy, chỉ trong bốn lĩnh vực về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thì quy trình thủ tục hành chính đã chịu sự điều chỉnh của 5 bộ luật, 10 nghị định, 9 thông tư và một lượng lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh rất phức tạp. Riêng về thủ tục đầu tư liên quan đến đăng ký quyền sử dụng đất, với dự án đầu tư thuận lợi nhất, thời gian làm thủ tục mất khoảng 150 ngày. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, DN phải "chạy" 17 thủ tục hành chính, với thời gian khoảng 155 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư...

Sự rắc rối, rườm rà về thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ gây khó khăn cho DN, người dân mà còn khiến nền kinh tế của đất nước bị trì trệ. Trong khi đó, đối với DN, thời gian đồng nghĩa với tiền bạc. Lộ trình thực hiện TTHC quá dài, sẽ làm họ mất đi cơ hội làm ăn, tăng chi phí của dự án, đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế bị giảm sút. Đấy là chưa kể, để hoàn tất những thủ tục liên quan đến thuế, DN phải khai lại nhiều lần những thông tin giống nhau tại các cơ quan khác nhau. Mỗi lần có giao dịch, lại một lần phải có “phong bì” lót tay “bôi trơn”- điều này vừa gây tốn kém tiền bạc của DN, hao mòn lòng tin, giảm sức cạnh tranh và lại là một cơ hội cho hối lộ và tham nhũng phát triển.

Trong thời kỳ (tạm gọi là) hưng thịnh, bị thủ tục thuế “hành”, DN ảnh hưởng, nhưng vẫn có thể phát triển, dù thực tế, sự phát triển đó cũng hạn chế, cầm chừng và được ví von đầy tâm trạng như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “DN Việt Nam đội thuyền thúng ra biển lớn”. Song, đến khi kinh tế khủng hoảng, các TTHC trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Giống như một con lừa kiệt sức trên sa mạc, chỉ cần vắt thêm 1 chiếc áo cũng khiến nó quỵ ngã.

Từ thực tế này, năm 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, đặt mục tiêu trong năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6. Điều đó có nghĩa, số giờ nộp thuế sẽ phải giảm từ 872 giờ xuống chỉ còn 171 giờ. Như vậy, với việc giảm 701 giờ, chi phí tiết kiệm được sẽ lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi người nộp thuế cũng sẽ tiết kiệm được 16,5 triệu đồng/năm.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số vàng, kinh tế đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, các lợi thế vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI, lại đang có xu hướng giảm. Trong đó, chi phí đầu tư tăng, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực yếu, đặc biệt là môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều cản lực về TTHC đang là nguyên nhân khiến Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh.

Để có thêm ưu thế trong cạnh tranh thu hút vốn FDI, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách và nỗ lực cải cách thể chế nhiều hơn nữa. Trong đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ cần tạo ra sự thuận lợi, mà còn cần đến cả sự an toàn cho DN. Vì thế, cải cách thể chế và môi trường đầu tư không chỉ tạo ra sự thông thoáng, thuận lợi mà còn phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có thể yên tâm hoạt động lâu dài. (Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới) 

Lệ Thúy - Huyền Thanh - Lưu Hiệp
.
.
.