Thủ tục hành chính đang "ngáng" chân DN xuất khẩu

Thứ Hai, 23/07/2012, 08:58
Thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu còn chứa nhiều "tréo ngoe" khiến nhiều doanh nghiệp “than khổ” tại Hội thảo Xây dựng mối quan hệ đơn giản, thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu…

Tại Hội thảo Xây dựng mối quan hệ đơn giản, thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Gió Mới cho biết, vừa qua công ty gặp sự cố kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nên lô hàng bị thị trường này trả về. Hàng bị trả về đã là một tổn thất của doanh nghiệp, vậy mà khi về đến cảng, Hải quan lại tiếp tục yêu cầu công ty phải nộp thuế ngay mới được lấy hàng về, không cho thời gian để doanh nghiệp làm thủ tục và chứng minh đây là hàng bị trả.

Trong khi lô hàng có trị giá lớn nên mức thuế lên đến hàng trăm triệu đồng. Doanh nghiệp không có tiền đóng ngay, hàng buộc phải lưu kho với chi phí rất cao 100 USD/ngày. Việc làm khó của Hải quan đã gây tổn thất đối với doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính nhiêu khê là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp giảm khả năng cạnh tranh.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Bidifisco cho rằng: "Việc Bộ Tài chính ân hạn thuế nhập khẩu là 275 ngày và sắp tới Bộ bắt buộc doanh nghiệp phải qua ngân hàng bảo lãnh mới được ân hạn thuế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp về khâu thủ tục, thời gian và mức phí bảo lãnh".

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp ngành Thủy sản cũng "kêu" rằng, hiện nay mức phí kiểm dịch lô hàng theo quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BTC tăng quá cao. Lên tới mức trên 300% so với quy định cũ tại Thông tư 199/2010/TT-BTC, đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng đã đề nghị Cục Thú y xem xét điều chỉnh mức phí kiểm dịch lô hàng nhập khẩu sao cho phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Phương Quang - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Long An, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Long An cho rằng: "Hải quan Long An vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế bao PE, trong khi quy định bao PE không chịu thuế".

Đây cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp bức xúc vì Bộ NN&PTNT xác định Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực 1/1/2012 là cần thiết. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn thi hành một số điều luật tại Thông tư số 152/2011/TT-BTC đối với mặt hàng túi nilon nói chung, đặc biệt là loại túi nilon làm bao bì xuất khẩu chưa thật sự đầy đủ và thống nhất nên đã gây trở ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu... 

Tại Hội thảo Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu do Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa phối hợp tổ chức, để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP nhận xét: Hiện cách tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các kiến nghị của doanh nghiệp về thủ tục hành chính còn quá chậm, quá trì trệ. Theo ông Dũng, trong lĩnh vực thủy sản, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Thái Lan. Nếu nhìn vào quy định lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của Thái Lan được phân ra 4 loại: A, B, C, D. Trong đó doanh nghiệp loại A ba tháng mới bị lấy mẫu kiểm một lần, loại B hai tháng/lần, loại C hai tuần/lần, và loại D là lô nào cũng lấy mẫu để kiểm. Còn với các doanh nghiệp Việt Nam thì cũng phân doanh nghiệp thành 4 loại, nhưng doanh nghiệp loại A thì bị kiểm theo nguyên tắc "5 lô kiểm 1 lô".

Như vậy, doanh nghiệp phải chờ kết quả kiểm nghiệm và cấp giấy chứng thư từ 7-10 ngày. Nếu so với quy định của Thái Lan, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước không chỉ mất thời gian chờ đợi để cơ quan thẩm quyền cấp chứng thư xuất khẩu, mà lô hàng nào cũng lấy mẫu thì không còn thời gian để đi cạnh tranh.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thừa nhận, dù đã có 40/50 nhóm thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, nhưng vẫn còn rất nhiều thủ tục chưa như mong muốn

K.Ngân
.
.
.