Chuyện người quản lý

Thiếu thông tin, doanh nghiệp ứng phó bằng... niềm tin?

Thứ Ba, 19/05/2015, 09:09
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết khoảng 10 ngày, gây sự chú ý rất lớn của doanh nghiệp 2 nước. Đại diện Phòng Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết những buổi tọa đàm về đầu tư và kinh doanh với Việt Nam thu hút sự chú ý ngoài sức tưởng tượng của DN Hàn Quốc.

Ở chiều ngược lại, sự quan tâm của các DN Việt Nam đến thị trường Hàn Quốc cũng không kém. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin của cơ quan chức năng Việt Nam đang được đánh giá là chậm chạp, nhiêu khê hơn hẳn phía bạn. Thậm chí, DN Việt Nam muốn biết nội dung bản Hiệp định còn phải đi xin phía đối tác Hàn Quốc, bởi nhà chức trách trong nước đến giờ vẫn chưa công bố.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), đồng thời là trưởng đoàn đàm phán VKFTA cho biết: Với hiệp định này, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm thuế hàng loạt các mặt hàng điện tử, gia dụng.

Theo ông Sơn, chúng ta cùng Hàn Quốc cam kết cắt giảm gần 10.000 dòng thuế, diện cam kết rất rộng nhưng với lộ trình khác nhau, phù hợp với mức độ nhạy cảm của các nhóm hàng và năng lực chúng ta có thể tiếp nhận cũng như dần dần nâng cao năng lực để đối mặt với sức ép cạnh tranh. Một số nhóm thực hiện cắt giảm sớm hơn, chủ yếu là nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất: dệt may, da giày, nhựa... một số nhóm hàng tiêu dùng, điện tử gia dụng... Các nhóm hàng rất nhạy cảm như sắt thép, ôtô cắt giảm với lộ trình xa nhất, lên đến 15 năm.

Ở chiều ngược lại, hàng hoá xuất khẩu vào Hàn Quốc cũng rất có lợi thế, đặc biệt là nhóm nông nghiệp, thuỷ sản. Hàn Quốc vốn là một nền kinh tế nông nghiệp, sau nhiều năm thì nay đã thành một nền kinh tế công nghiệp phát triển. Tuy vậy, ở Hàn Quốc vẫn còn một bộ phận nông dân sản xuất nông nghiệp, nên Chính phủ nước này nhiều năm qua thực hiện chính sách bảo hộ rất cao cho nhóm người này. Việt Nam lại là một nước có thế mạnh về nông nghiệp và thuỷ sản, và rất muốn khai thác lợi thế này trong đàm phán với Hàn Quốc.

Theo ông Bùi Huy Sơn, đây là một nội dung rất khó khăn để Hàn Quốc nhượng bộ. Tuy nhiên, khi được đặt câu hỏi trong ngắn hạn, những mặt hàng nào được cắt giảm mạnh nhất khi xuất khẩu vào Hàn Quốc, câu trả lời chúng tôi nhận được là “lộ trình cụ thể hiện nay chưa được phép chính thức công bố”, bởi “sau khi ký kết sẽ phải thực hiện quy trình phê chuẩn”. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã phải lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng sớm công bố chi tiết VKFTA để DN còn biết đường mà “tận dụng” và “đối phó”.

Trong khi phía Việt Nam rất tuân thủ nguyên tắc và đang “tích cực chuẩn bị”, có cả đề án để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ DN tận dụng các lợi thế từ VKFTA, thì bản thân các DN, thậm chí cả phía VCCI phải đi “xin” Hiệp định này từ phía Hàn Quốc, vì đợi không nổi. Đây quả là sự ngược đời khó hiểu, nhất là khi cơ quan chức năng trong nhiều lần tọa đàm về các FTA đều lên tiếng trách DN không chủ động tìm hiểu thông tin.

Mặc dù Hiệp định chỉ có giá trị khi nó chính thức có hiệu lực pháp lý (tức là có việc phê chuẩn của Chính phủ 2 bên), nhưng đại diện Bộ Công thương cũng thừa nhận khả năng sửa so với Hiệp định đã ký gần như không có, và cũng chẳng có điều luật nào cấm việc cung cấp thông tin cho DN trong giai đoạn này.

Nam Phương
.
.
.