Thiếu chế tài với người nhập “rác” về bỏ tại cảng

Thứ Ba, 01/04/2014, 08:45
Tưởng chừng Thông tư 15 của Bộ Tài chính sẽ gỡ vướng về xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng. Song tình trạng thường xuyên có trên 400 container nằm bãi kéo dài quá 3 tháng tại cảng container lớn nhất cả nước là Cát Lái vẫn vẫn chưa thể chấm dứt.

Các cảng biển khác của TP Hồ Chí Minh cũng chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng hàng tồn đọng. Xảy ra thực trạng này, theo đại diện các cảng biển là do tình trạng nhập rác và các mặt hàng cấm nhập khẩu chưa được ngăn chặn triệt để.

Theo ông Ngô Minh Thành, đại diện một DN chuyên nhập khẩu kim loại dạng phế liệu, những mặt hàng trong nước cấm nhập thuộc dạng rác như nhựa, cao su, đồ điện tử, điện máy cũ… ở các nước phát triển loại hàng này phải chi phí rất lớn cho việc xử lý và đảm bảo môi trường. Một container 20 feet họ phải tốn kém khoảng 5 – 10 ngàn USD cho việc xử lý, nên các DN, thương nhân nước ngoài thường cho không kèm theo một khoản tiền vận chuyển để các đối tác chở đi. Nhiều DN, nhà nhập khẩu trong trong nước vì hám lợi sẵn sàng nhận trách nhiệm vận chuyển, nhập khẩu rác thải về để kiếm lợi. Những loại phế liệu này được trà trộn lẫn trong container với các mặt hàng, máy móc được phép nhập khẩu.

Với chi phí vận chuyển 1 container từ châu Âu – Mỹ về Việt Nam chỉ có giá trên dưới 1.500 USD, người nhập về đã có lời. Về tới cảng trong nước, nếu may mắn được xếp vào luồng xanh, thoát khỏi việc kiểm tra trực tiếp của hải quan, mang hàng đi bán phế liệu cũng kiếm thêm được khoản tiền không nhỏ. Nếu không thoát, chủ hàng sẵn sàng bỏ luôn cũng chẳng mất mát hay bị xử lý gì...

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, vụ việc phát hiện nhập 10 container hàng cấm nhập là điện tử, điện lạnh về TP Hồ Chí Minh được phát hiện mới đây đã được Công an thành phố đề nghị khởi tố vụ án nhằm răn đe, ngăn chặn, song vẫn chưa được Viện Kiểm sát phê chuẩn.

Còn theo đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, lợi dụng quy định thông thoáng trong hải quan điện tử, chủ các lô hàng có vấn đề tìm cách nhờ các đại lý có uy tín hoặc liên tiếp mở tờ khai hải quan để gửi vào hệ thống. Nếu được xếp vào luồng xanh - DN biết chắc chắn hàng sẽ được thông quan ngay mà không phải kiểm đếm trực tiếp, chủ hàng sẽ làm thủ tục nhận; ngược lại khi tờ khai rơi vào luồng vàng, đỏ chủ hàng sẽ bỏ hàng.

Khi hải quan vẫn không có biện pháp nào để có thể kiểm soát từ xa được chất lượng, chủng loại hàng hóa sẽ nhập về của nhà nhập khẩu, thì theo quy định phải sau 6 tháng kể từ ngày hải quan ra thông báo lần đầu, chủ hàng nhập về cảng biển không đến nhận hàng hóa mới bị coi là hàng vô chủ và lập hội đồng thanh lý. Do vậy đại diện một cảng biển cho rằng tình trạng nhập hàng “lụi” về rồi bỏ mặc thành hàng vô chủ tại cảng biển vẫn sẽ khó chấm dứt

Đ.Thắng
.
.
.